DIỄN VĂN BẾ MẠC LỄ TRAO GIẢI VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH NĂM 2012

Nguyên Ngọc

 

Thưa …

Đây là lần thứ năm lễ trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh được tổ chức. Trên con đường dài theo bước khai dân trí của vị tiền bối mà Quỹ vinh dự mang tên, chúng ta đã đi được năm chặng nhỏ. Có lẽ có thể nói mà không sợ quá lời, thật vui mừng là mỗi bước đi đó đều đã để lại dấu ấn đáng nhớ. Và hình như năm nay, dấu ấn ấy vừa tiếp tục ấn tượng đã có từ những năm trước, lại vừa tập trung hơn, đậm nét hơn.

Chúng ta vừa được nghe phát biểu sâu sắc và đầy gợi ý của dịch giả uyên bác Nguyễn Văn Khoa. Trong khi tâm sự về việc vì sao anh đã chọn Plato cùng bộ Đối thoại Socratic kinh điển của ông, vốn nằm ở cội nguồn của triết học Hy Lạp, cũng là cội nguồn của văn hóa và văn minh phương Tây để công phu giới thiệu với độc giả Việt Nam, kỳ thực Nguyễn Văn Khoa đã bày tỏ quan niệm rõ ràng đến sòng phẳng của anh về một vấn đề cơ bản, lâu dài, mà lại luôn được đặt ra nóng bỏng từng ngày trong đời sống của đất nước và con người chúng ta, đặc biệt trong biến chuyển sôi động hiện nay: vấn đề bản sắc văn hóa trong hội nhập - mà thật hay, chính Phan Châu Trinh đã nhận ra và thống thiết tìm cách giải quyết vào thời của ông; và ngày nay chúng ta lại đối mặt, căng thẳng không kém, tuy là theo cách khác.  

Nguyễn Văn Khoa khẳng định mạnh mẽ cần đoạn tuyệt với thứ văn hóa độc canh,  với lo sợ nớm nớp mất bản sắc khi hội nhập, và những mộng mị khư khư bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc…, bởi vì, theo anh, bản sắc văn hóa không phải là một hằng số, nó là một biến số lịch sử, được định nghĩa không phải bằng cái đồng nhất và cố định mà bằng cái chuyển biến, không  đơn sắc mà tồn tại và bừng nở bằng “sự tỏa sáng đan chéo của các nền văn hóa”. Chúng tôi nghĩ đây là thông điệp quan trọng của Nguyễn Văn Khoa khi anh dồn tài năng, tâm huyết chăm chú dịch thuật những công trình uyên bác nhất của nhân loại, vì chính sự phát triển cụ thể của xã hội và đất nước ngay hôm nay. Cũng là một thông điệp Quỹ chúng ta muốn khẳng định lần nữa khi trao giải thưởng năm nay cho anh.

Thật thú vị, chính tại cuộc trao thưởng lần thứ năm này, có một tiếng nói đáp lời anh Khoa, từ một phía gần như là đối cực, không phải trên đỉnh cao hàn lâm mà là từ đời sống sinh động hằng ngày, của anh Nguyễn Sự, bí thư Hội An, mà chúng tôi muốn gọi là một nhà văn hóa thực hành. Thực hành, nghĩa là giải cùng những bài toán tinh vi và khó khăn ấy, nhưng không phải trên sách vở, mà trong không gian và thời gian cụ thể của đời sống, với những con người cụ thể hằng ngày. Càng tinh vi và khó khăn vì đối tượng của Nguyễn Sự là một thành phố di sản, ở đấy không chỉ những ngôi nhà cổ mà cả con người sống trong những ngôi nhà đó cũng là di sản, thậm chí là phần chủ yếu của di sản, tạo nên đặc điểm quan trọng và đặc sắc nhất thành phố di sản nổi tiếng này. Như ta biết, những ngôi nhà cổ là di sản thì rất dễ bị tổn thương. Con người sống thật mà là di sản thì càng dễ bị tổn thương hơn. Bài toán văn hóa của Nguyễn Sự mấy mươi năm nay ở Hội An là vậy. Và anh đã giải nó thành công. Thật đẹp. Anh tâm sự: Ngẫm cho cùng, hình như không có cái gọi là “gốc Hội An”, tìm mãi cũng không ra ai gọi là dân Hội An gốc. Bản sắc Hội An chính là khả năng hay bản lĩnh kết hợp nhuần nhuyển đến tài tình, nhẹ nhàng như không, những gì đến từ bốn phương, để tạo nên cái riêng có của Hội An. Ta vừa nghe anh nói về nghệ thuật kết hợp đường bát đen tối hạ cấp với đường phèn tối cao cấp để tạo nên món chè đậu ván đặc sản quê anh. Anh bảo: Người đã biết kết hợp những đối lập tối cực đoan đến vậy thì không sợ bất cứ hội nhập nào, bất cứ cái lạ nào, và Hội An nói cho cùng chính là kết quả thường xuyên của hội nhập thành công bình tĩnh và tự tin đó. Đúng như lời Nguyễn Văn Khoa nhắc lại Paul Ricœur: sinh ra và bừng nở bằng “sự tỏa sáng đan chéo của các nền văn hóa”. Quả Hội An là một khám phá về hội nhập, và Nguyễn Sự là nhà văn hóa của khám phá đẹp đẽ ấy.

Vậy đó, trong giải thưởng năm nay, qua Nguyễn Văn Khoa và Nguyễn Sự, chúng ta lần nữa muốn gửi đến xã hội thông điệp về một triết lý về hội nhập và văn hóa, văn hóa trong hội nhập, rất cần thiết hôm nay.

Triết lý, hay giản dị hơn, cách nghĩ được coi là phương hướng hành động hay lý tưởng văn hóa đó cũng được thể hiện rất rõ trong sự nghiệp đáng trân trọng của hai vị tân khoa cao tuổi nhận giải thưởng về nghiên cứu năm nay.

Chúng ta đều biết và ngưỡng mộ cống hiến to lớn, tận tụy của giáo sư Trần Văn Khê, người đã dành hầu suốt cả cuộc đời say mê sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu, quảng bá âm nhạc truyền thống mà ông coi là một phần quốc hồn quốc túy, là giọng điệu tâm hồn của dân tộc; cũng bằng con đường đó, giữ gìn vốn quý ấy, phát huy sức mạnh của nó trong đời sống của người Việt đương đại. Hôm nay chúng ta còn được biết thêm một trong những nguyên nhân thành công quan trọng nhất của ông là ông đã tái khám phá nền âm nhạc ấy dưới ánh sáng của âm nhạc học hiện đại, khiến cho nó vừa độc đáo bản địa lại vừa có thể trở thành một bè đặc sắc trong hòa âm chung của nhân quần rộng lớn. Có thể nói một điểm đặc biệt nổi bật của Trần Văn Khê là ông hết sức đặc sắc Việt Nam trong môi trường âm nhạc quốc tế mà ông rất nổi tiếng, lại rất quốc tế trong cái nhìn và cách xử lý vốn âm nhạc truyền thống Việt Nam. Phải chăng đó cũng là một bài học, và không chỉ về âm nhạc. Ở ông, truyền thống và hiện đại không đối lập. Vấn đề không phải là khư khư giữ chặt một cái gì đó được coi là bản sắc truyền thống bất biến, mà là tạo nên bản sắc hiện đại bằng tất cả bản lĩnh được tích lũy lâu dài để đứng vững và phát triển hôm nay. Vậy nên, nhà âm nhạc học Trần Văn Khê hóa ra lại rất gần với nhà văn hóa thực hành Nguyễn Sự, cũng rất gần với nhà dịch thuật kinh điển phương Tây Nguyễn Văn Khoa.

Cũng gần gũi như vậy là sự nghiệp đồ sộ mà âm thầm của học giả Nguyễn Thạch Giang, trọn vẹn nửa thế kỷ qua đã tạo nên cả một mảng nghiên cứu lớn và sâu về văn học Hán-Nôm trong di sản văn học Việt Nam, vừa tập trung vào những đỉnh cao như nghiên cứu, giới thiệu, chú giải Truyện Kiều của Nguyễn Du (gồm đến 10 quyển) vừa tỏa ra trên những xây dựng có tính nền tảng như bộ Từ ngữ và điển cố văn học Việt Nam (cũng gồm đến 10 quyển), hoặc tác phẩm Nghiên cứu chữ Nôm – Những nền tảng ban đầu… , như ông nói, nhằm dọn đường cho những người sau đi tìm lại cha ông. Quả vậy, Nguyễn Thạch Giang là một người dọn đường tận tụy và đầy trách nhiệm, không chỉ để rọi ánh sáng mới về phía sau, mà soi rọi cả về phía trước, như ông từng tâm sự: “Nghiên cứu văn bản cổ là một khía cạnh nhìn lại quá khứ để định hướng cho tương lai – chân trời bao la của lòng tin, tình thương, và tiến bộ”.

Thưa,

Hôm nay chúng ta vui mừng chào đón hai học giả đến từ xa, những vị tân khoa của giải thưởng Việt Nam học. Lần này nữa giải thưởng Việt Nam học, dành cho các nhà khoa học nước ngoài có đóng góp quan trọng nghiên cứu Việt Nam, lại tạo dấu ấn đậm đà.

Xin chào mừng nhà sử học Pavel Vladimirovich Pozner, người vốn đã có thể trở thành một nhà điện ảnh say mê và tài năng như thân phụ ông, cuối cùng lại đến với Việt Nam học và sử học Việt Nam qua những quanh co đầy tình cờ mà cứ như là có duyên số tiền định. Và trong lịch sử Việt Nam thì hướng chọn tập trung của ông lại thật đáng suy nghĩ: tác phẩm sử học đầu tiên của Pozner là bộ Việt Nam cổ đại; tác phẩm tiếp theo là Lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến trung đại sơ kỳ; chen giữa là công trình có tính công cụ quan trọng Vấn đề chép sử biên niên Việt Nam, nguyên bản và ảnh hưởng ngoại lai. Nghĩa là ông muốn hiểu, và giúp chúng ta hiểu Việt Nam từ nguyên sơ, trong những giai đoạn khởi đầu hình thành dân tộc, cũng là quyết dịnh nhất trong hình thành tính cách dân tộc; và là hiểu thật chính xác bằng kiểm định nghiêm khắc các tư liệu và cách ghi chép các tư liệu theo lối biên niên. Một lối tiếp cận vấn đề mẫu mực. Rồi lại tiếp một công trình đồ sộ, đào sâu hơn vào vấn đề đã được tập trung quan tâm: dịch, giới thiệu, chú giải bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Phần đầu, Tiền biên, và từ quyển 1 đến 5, xuất bản song ngữ Hán và Nga. Thật vui mừng khi được biết một nhà sử học uyên thâm và đầy uy tín như vậy đang được Viện Hàn lâm khoa học và Viện Đông phương học Nga giao một nhiệm vụ trọng đại: đứng đầu công trình bao quát trọn vẹn toàn bộ Lịch sử Việt Nam, gồm sáu tập.  

Xin cảm ơn P. V. Pozner vì cống hiến quý giá của ông cho sử học Việt Nam.

Chúng tôi xin dành những lời sau cùng trong diễn từ này để chào mừng Alain Ruscio, bởi vì đối với Việt Nam ông là người nhà. Rất nhiều người Việt Nam đều biết, trong suốt nhiều năm dài, đặc biệt trong những năm tháng gian khó nhất của đất nước này, ông là người bạn chiến đấu chung thủy của chúng ta. Chính các cuộc chiến tranh giành độc lập của Việt Nam trong thời hiện đại đã đưa ông đến với vấn đề thuộc địa, với báo chí, rồi với sử học, sử học của chiến tranh Đông Dương, rồi của tất cả các cuộc chiến đấu của các dân tộc thuộc địa đứng lên tự giải phóng, một nhà sử học dấn thân, theo định hướng kiên định về một đề tài tập trung, như chính ông gọi, là “tầm nhìn thuộc địa”. Một tầm nhìn có thể soi sáng rất nhiều vấn đề lớn trong thời đại chúng ta. Suốt 25 năm qua, Trung tâm Thông tin và Tư liệu về nước Việt Nam đương đại do ông sáng lập và lãnh đạo đã là nơi sưu tập, sắp xếp và cung cấp cho độc giả khắp thế giới một khối lượng tài liệu phong phú và đáng tin cậy đến từ hầu như tất cả các nguồn. Đấy cũng là một mặt trận khác, đầy hiệu lực, trong cuộc chiến đấu lâu dài và dũng cảm của ông vì Việt Nam mà ông thiết tha yêu mến.

Xin cảm ơn bạn thân thiết Alain Ruscio.

Xin cảm ơn tất các vị đã nhận giải thưởng Phan Châu Trinh hôm nay. Một lần nữa xin nhắc lại: chính sự nghiệp văn hóa cao quý của quý vị mang lại danh giá và uy tín cho Giải thưởng, và cho cả tổ chức của chúng ta.

Thay mặt Hội đồng khoa học, chúng tôi cũng xin cảm ơn các chuyên gia nhiều ngành, bằng các phản biện sáng suốt của mình, đã giúp cho việc chọn giải được chính xác.

Xin cảm ơn các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chúng tôi suốt năm chặng đường qua.

Xin cảm ơn tất cả quý vị,

Và xin hẹn gặp lại đúng ngày này năm sau.