DIỄN TỪ NHẬN GIẢI NGHIÊN CỨU

NGUYỄN THẠCH GIANG

NHỮNG MỐC ĐÁNG NHỚ TRONG ĐỜI HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU CỦA TÔI

Đầu xuân, nhâp dịp trọng đại độc nhất này đối với một đời học tập và nghiên cứu của tôi, tôi xin điểm lại một số mốc đánh dấu sự tiến triển tinh thần công việc của chặng đường dài đó.

Từ 1961 – 2011, tôi xuất bản được 70 đầu sách. Một câu hỏi được đặt ra: Cuộc sống bề bộn, quá khó khăn làm sao thực hiện được điều đó? Một chuệch choạc nhỏ là đã khác rồi.

Từ 1970, tôi đã từng viết:

“Làm được một việc gì, lòng tôi bao giờ cũng hướng về ba phía: quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhìn lại quá khứ để biết ơn ông cha ta đã cho ta cái làm hôm nay. Nhìn vào hiện tại để biết ơn ngày hôm nay đã giúp ta làm cái hôm qua. Và, nhìn về tương lai để dám lãnh nhận cái trách nhiệm của mình đối với những thế hệ mai sau. Bây giờ tuổi 85, nhìn chút thành quả lao động của mình, tôi lại nghiêng về phía tâm linh. Tôi vô cùng xúc động về những suy nghĩ mạnh mẽ, minh bạch này.”

Bộ Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu.

Cuối năm 1953, tình cờ tôi mua được ở Đông An, Bắc Kinh bộ sách quý này, thâu tóm cả thiên kinh vạn quyển thư tịch Trung Hoa. Chính bộ sách này kích thích tôi làm Truyện Nôm và các cuốn Từ ngữ Văn Nôm, Từ ngữ điển cố văn học, Từ điển văn chương Quốc âm, Tiếng Việt trong thư tịch cổ Việt Nam…

Chín cuốn điển tích đã được xuất bản với hơn 8.000 trang in khổ lớn lấy từ những tài liệu gốc của thư tịch Trung Hoa có dưới tay.

Bác Đặng Thai Mai!

Đầu năm 1955, tôi được điều về Đại học Sư phạm Văn khoa giúp việc cho bác Đặng Thai Mai, giám đốc nhà trường. Bác là người mở đường cho đời tôi học tập và nghiên cứu:

Bác đã dành thì giờ cho tôi đi dự lớp Văn và Lịch sử. Nhờ thế mà tôi biết được vốn liếng Văn học Tây phương của các thầy và của sinh viên.

Bác dặn, cụ Trần Lê Nhân, cụ Ngô Lập Chi giúp tôi học có hệ thống cổ văn tiếng Hán, ngoài ra còn có một số cụ Tú, cụ Cử khác. Nhờ tiếp xúc với các cụ, tôi lượng định được vốn hiểu biết Hán học của các cụ.

Về nghiên cứu, gần một năm làm việc với bác về Vương Chiêu Quân, vở kịch lịch sử của Quách Mạt Nhược, bác đã để lại trong tôi một ấn tượng hết sức sâu đậm về một sư phụ nghiêm khắc, độ lượng.

Bác đã cùng tôi nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều. Ngày 8/7/1978, bác mời tôi cùng bác làm việc đó và kết thúc vào năm 1982. Lịch làm việc hằng tuần từ 15h ngày thứ năm.

 

Để khỏi gây ồn ào, Nguyễn Du và Truyện Kiều sẽ trình bày đầy đủ những tư liệu chính xác về mọi mặt của tác giả và tác phẩm. Qua bác Đặng Thai Mai, tôi thấy tầm quan trọng của tư tưởng Bie’linski (1811 - 1848): “Người thầy là đối tác đua tranh của học trò, xã hội tiến bộ nhờ đó”.

Và trong khi tiếp xúc với các thầy khác, tôi suy nghĩ đến câu cửa miệng của tôi: “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Đó cũng là vấn đề bàn cãi của châu Âu trong đường lối đào tạo “Generalist” hay “Specialist” tôi rút ra kết luận: Phải đa mới tinh được. Vì vậy, sau khi đã mò mẫm về các biện pháp khoa học xã hội ít hiệu quả, tôi tìm đến khoa học tự nhiên. Tôi thấy có nhiều ánh sang rất đáng phấn khởi.

Bác Đặng Thai Mai thường bảo tôi tìm sách, tìm tài liệu, tìm xuất xứ của văn thơ thời xưa. Do đó, tôi quán xuyến được kho sách Hán Nôm của Thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ.

Như vậy, về mặt tư liệu, cả Việt Nam và Trung Quốc nơi xuất xứ thực tại đầu tiên Descartes đòi hỏi tôi đều có đầy đủ.

Không khí học tập hồi giờ đều đặn, sôi nổi, khuyến khích tôi làm việc không biết mệt mỏi, tên tuổi những người có danh tiếng trong khoa học càng động viên tôi cố gắng suốt một đời thầm lặng với sách vở.

Xây dựng ngành Việt ngữ học ứng dụng

Sinh viên nhiều nước đến Việt Nam học tập. Việc dạy tiếng Việt phải đi vào nề nếp. Giữa lúc đó, ngày 25/01/1965, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đến thăm, chỉ thị cho trường làm một bản dự thảo về mục tiêu, phương hướng xây dựng ngành Việt Nam học ứng dụng. Tôi là tác giả bản dự thảo. Bộ và trường đã phê chuẩn. Từ đó, tôi được phép trực tiếp làm việc với ông Huyên, thực thi bản dự thảo. Việc quan trọng là việc nhân sự. Tôi xin 10 cán bộ trường và ông Bộ trưởng đều biết. Ông Huyên đồng ý và ký chuyển Vụ Tổ chức cán bộ làm quyết định. Hai tháng sau, không có động tĩnh gì. Ông Huyên nét mặt không vui nói với tôi: “Như anh đã thấy, tôi đã chuyển cho Vụ Tổ chức cán bộ làm quyết định. Nhưng đến nay họ không làm, tôi là Bộ trưởng cũng chịu. Ông an ủi tôi: “Thôi ta chịu thua thôi. Tổ chức, họ có đường lối riêng của họ”.

Câu nói đó là sự khôn ngoan của ông Huyên sau 20 năm công tác với chính quyền mới, đã thân tình truyền lại cho tôi như một bài học lớn. Nhờ nó mà tôi thực sự tự do và có thì giờ vì tôi làm những việc chỉ dựa vào sức mình.

Về phương pháp xử lí vấn đề văn bản học các tác phẩm văn Nôm.

Tôi viết một chương có tính chất tuyên ngôn về quan điểm riêng của mình có tên là “Mùa thu tình yêu và văn chương” (Lời quê 1, tr 21), nêu ra một số châm ngôn xác định lý do tồn tại – Hồng với chuyên hay tài đức là một thống nhất trong một doanh nhân.

Dù cho sóng gió bão bùng, lý do tồn tại xin đừng có quên thắng lợi là chuyện tất nhiên.

Và tôi đã làm Truyện Kiều như một khuôn mẫu (specimen) về xử lý văn bản tác phẩm văn Nôm. Về phương pháp, tôi đã áp dụng những điều Descartes đã trình bày trong Discours de la Méthode. Descartes là người mở đầu cho khoa học hiện đại, tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh của lý tính con người, ông muốn sáng tạo ra một phương pháp mới, khoa học, đem lý tính thay thế cho lòng tin tín ngưỡng mù quáng. Ông dùng sự hoài nghi làm phép suy luận.

Nhờ vậy, Kiều tái bản 33 lần kể từ 1972 đến nay với số lượng 200 ngàn bản.

Ngoài ra, về Nguyễn Du, với sự cộng tác của anh Trương Chính, cụ Lê Thước, còn có:

Nguyễn Du - Tác phẩm và lịch sử văn bản.

Nguyễn Du - Cuộc đời và tác phẩm.

Toàn tập Nguyễn Du, in ở Hoa Kỳ.

Vốn liếng Hán Nôm ở miền Nam

Trong hai năm 1975 - 1976, tôi đi các tỉnh Nam Bộ mới sưu tầm đủ tài liệu để làm Toàn tập Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài ra với chữ Nôm Nam Bộ, tôi thôi không làm Từ điển chữ Nôm, vì ngữ âm lịch sử tiếng Việt, tôi vẫn mù mờ mặc dầu ông Maspéro đã công bố nó trên BEFEO từ năm 1912, mà xoay sang làm một cuốn như kiểu Thuyết văn giải tự tiếng Hán nhưng quỹ thời gian không cho phép.

Vốn liếng Hán Nôm kể các địa bạ, các châu bản, mộc bản quốc sử quán triều Nguyễn sau vụ mặt trận Thừa Thiên vỡ (ngày 9/2/1947) còn lại chỉ ngót 1/100, mà tôi đã thấy quá đồ sộ. Tiếc hồi còn ở Huế, không ai để ý khai thác. Nay vào tay ta thì mối mọt, mưa gió làm mục nát, phần lớn đã thành phế liệu!

Nghỉ hưu (1992)

Hưu, có thì giờ để đọc lại, suy ngẫm lại những cái đã đọc, đã viết, và nhất là đọc thêm những cái trước kia chưa đọc của thế giới để hiểu Việt Nam ta hơn, để thấy ta quá lời trong nhiều đánh giá về ta. Ví dụ ai cũng biết câu:

Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán;

Thi đáo Tùng Tuy nhất Thịnh Đường.

Bốn cụ đã được đánh giá quá mức, hầu hết các nhân vật trong lịch sử đều được tôn vinh như vậy; ít có tiếng nói như Lê Quý Đôn:

“Tôi đã từng tổng luận cả một thời Tiền Lê, đại khái sĩ phu có ba lần biến đổi… Lần cuối, từ năm Đoan Khánh (1505) về sau, nghị luận đồi bại, những người làm quan ít giữ thái độ liêm chính nhịn nhường, trong triều đình không nghe thấy câu can gián thẳng thắn, gặp việc gì cũng mềm nhũn để tránh tai vạ. Những người: Gọi là danh nho đều là hạng người ngồi yên để nhận lấy vinh dự bất nghĩa” (Lê Quý Đôn - Kiến văn tiểu lục).

Biên soạn bộ Tinh tuyển văn học Việt Nam

Cuối năm 1999, trong một cuộc họp ở Khách sạn Dân chủ, có đủ mặt Nhà xuất bản, người tài trợ và các vị trong Ban biên tập, tôi trình bày đề cương biên soạn, nhấn mạnh ý tưởng bỏ hẳn chữ Hán, xem từ phiên âm là từ tiếng Việt gốc Hán.

Kết quả, năm 2004, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành trọn bộ, chỉ có 8 tập.

Từ việc chỉ đạo biên soạn bộ tinh tuyển, và từ những năm đầu nghỉ hưu (1992), một ý tưởng rất mạnh đến với tôi là phải viết lại những cái ta đã viết.

Và, tôi đã bắt đầu làm công việc này với cuốn Nguyễn Du và Truyện Kiều sẽ in trong Lời quê chắp nhặt VI gồm phần của bác Tôn Quang Phiệt, bác Đặng Thai Mai và tôi, thực hiện lời tôi đã hứa với bác trước khi bác qua đời.

Giải Sài Phi Thư trang

Được sáng lập từ năm 1988, năm tôi 70 tuổi. Thời đại mới mở cửa của Cách mạng Việt Nam mà về phương Đông cũng như phương Tây, phần lớn ta chỉ biết có những kiến thức bề mặt, không thấu đáo, thì đến một lúc nào đó điều này sẽ trở thành tai vạ. Giải Sài Phi Thư trang được sáng lập là nhằm tránh điều tai vạ đó. Giải được trao hằng năm và qua 10 năm là kết thúc.

Ngày 21/2/2009 tại nhà hàng Tân Tân, lời phát biểu kết thúc, tôi có nói:

“Kinh thánh nói: Cái gì cũng có thời của nó, giải Sài Phi Thư trang, 10 năm về trước là thời sáng lập. Và, 10 năm sau là thời kết thúc. Kết thúc vì chúng ta bất lực trong việc đưa lại trật tự (Orde) và cao cả (Grandeur) cho mọi hoạt động xã hội như lý tưởng buổi đầu.”

Thêm vào đó, bây giờ là lúc tuổi cao, sức yếu. Riêng tôi đã chuẩn bị cho một cuộc đi xa.

Xuân nay, chúng ta gặp nhau, nhìn nhận lại kết quả đã phấn đấu làm đà cho sự tiến bộ, tôn vinh một thời thăng hoa của mỗi chúng ta trong nghiên cứu cho chân lý bình an và hy vọng.

Giải Sài Phi Thư trang đến thời kết thúc:

Après moi le deluge

Lời kết thúc dư âm bao la xoáy vào tâm can ta trách nhiệm và bổn phận.

*

*          *

Tóm lại, với một lòng cao cả vô vi, ta sẽ có cả Trí, Nhân, Dũng như cổ nhân để học tập và nghiên cứu lâu dài và có hiệu quả.

Đọc lại tác phẩm đã xuất bản, một điều làm tôi chú ý là các trang viết toát lên một tinh thần bình an, điềm tĩnh nhìn cảnh đời với một căn bản đạo lý thường lạc, nhất quán.

Và, hầu như đời tôi chỉ biết có mùa xuân với ngụ ý phát triển, sinh sôi của người tạo chữ. Mùa xuân của đất trời quanh năm với tôi trong học tập nghiên cứu cũng như trong cuộc sống đời thường.

Chúc mùa xuân đó mãi mãi với chúng ta.