Ông NGUYỄN NGHỊ

DIỄN TỪ NHẬN GIẢI DỊCH THUẬT

 

Diễn từ nhân dịp nhận giải Văn hóa Phan Châu Trinh về dịch thuật

được tổ chức tại Khách sạn Caravelle, tối ngày 24/3/2015

Trước hết, tôi xin chân thành cám ơn

      Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh

      Quý vị trong ban tổ chức giải thưởng của Quỹ,

đã dành cho tôi giải Văn hóa Phan Châu Trinh về dịch thuật trong lần trao giải thứ tám này.

1. Đây là một vinh hạnh lớn đối với tôi, vốn vẫn thường xem việc phiên dịch là một công việc ít nhiều bạc bẽo : công sức bỏ ra thì nhiều, nhưng điều muốn đạt tới thì lại như chẳng bao giờ tới được. Một nhận định của Giáo sư Trần Văn Toàn về công việc phiên dịch này, một nhận định có  có thể được xem như là một thực tế hầu như không ai phủ nhận về công việc dịch thuật này: “Ai đã chú ý đến việc dịch thuật đều có thể nhận định rằng khi dịch từ tiếng này sang tiếng kia, mình không sao dịch cho hết ý nghĩa được, đồng thời bản dịch cũng mất đi nhiều ý vị” (Trần Văn Toàn, Vấn đề phiên dịch các khái niệm đạo Thiên chúa sang tiếng Việt, trong Đạo Trung Tùy Bút (Nxb Tôn giáo, 2008, trg. 63).

Nếu chỉ dịch “không hết ý nghĩa” hay “bản dịch mất đi nhiều ý vị” mà thôi, thì theo tôi, quả là còn may mắn lắm rồi. Chúng ta đã chẳng quá quen với những nhận định, và khẳng định có tính cách phổ quát như muốn đúc kết kinh nghiệm lâu đời của người dịch hay của người đọc về công việc này : bên đông thì có câu : tam sao thất bản, bên tây thì có thành ngữ bằng tiếng Ý traduttore traditore / phiên dịch là bất trung.

Thực tế, khi một tác phẩm dịch được xuất bản, những điều tốt đẹp nhất, mới mẻ nhất, những sáng kiến đáng quan tâm nhất mà người đọc phát hiện thấy trong tác phẩm được dịch, đều thuộc tác giả của tác phẩm. Phần còn lại cho người dịch là những giờ phút hồi hộp chờ đợi những sai sót, những lầm lẫn, thậm chí phản nghĩa người đọc có thể sẽ phát hiện ra trong bản dịch của mình, và người dịch sẽ chỉ còn biết nhận sai và hứa sẽ sửa sai vào lần tái bản. Mà những lý do chủ quan và khách quan dẫn đến sai sót trong việc phiên dịch thì nhiều vô kể. Dẫu sao thì đó cũng là tâm trạng của tôi mỗi khi có một cuốn sách dịch được xuất bản.

Bởi vậy, được nhận giải Văn hóa Phan Châu Trinh về dịch thuật, đối với tôi, không chỉ là một vinh hạnh lớn, mà còn là một sự khuyến khích hết sức quý báu : cuối cùng thì kết quả của công việc mình làm cũng được công khai nhìn nhận là có ích cho xã hội. 

  1. Giải dịch thuật, đối với tôi, còn có một ý nghĩa quan trọng hơn nữa đối với  chính sự tồn tại cũng như vai trò của công việc phiên dịch nói chung. Nó cho chúng ta thêm xác tín rằng việc phiên dịch, hiện tại và trong tương lai, vẫn còn vai trò của nó chứ không phải là một hoạt động văn hóa đang trở nên lỗi thời, chờ ngày cáo chung trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật đang biến không ít hoạt động của chúng ta thành quá khứ.

Quả thực không ít người nghĩ rằng, với sự tiến bộ của loài người hiện nay, với sự phát triển khoa học kỹ thuật như không gì có thể ngăn lại được,  với tốc độ lan rộng của hiện tượng toàn cầu hóa như chúng ta đang chứng kiến, thì chẳng bao lâu nữa người ta sẽ tìm ra, tạo ra được một thứ ngôn ngữ chung, hay một cách thức diễn đạt mà ai cũng có thể hiểu được, hay phát minh ra được một cái máy dịch tinh vi, rồi cái máy này sẽ được phổ biến với tốc độ chỉ có thể bằng hay hơn tốc độ phổ biến của chiếc điện thoại di động, và như vậy, tương lai của cái nghề dịch sách như đã được định đoạt rồi, việc phiên dịch sẽ sớm mai một thôi…

Nhưng thực ra, công việc viên dịch không thuần túy chỉ là vấn đề ngôn ngữ, mà xa hơn nữa, là việc chuyển tải văn hóa từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Nói tới đây, tôi nhớ tới một câu chuyện và cũng là một kinh nghiệm để đời.

Cách đây hơn hai chục năm, tôi được cử đi phiên dịch trong vòng một tháng trên núi Khánh Sơn, Nha Trang, cho một nhà dân tộc học người Pháp. Nhà dân tộc học muốn nghiên cứu về ngôn ngữ của người Raglai. Tại đây, người ta đã chuẩn bị sẵn cho chúng tôi một bản tự vựng : một cột gồm các từ thông thường bằng tiếng Raglai và một cột tiếng Việt. Tôi có phận sự mô tả nội dung của từ bằng tiếng Việt, và nhà dân tộc học người Pháp sẽ theo nội dung mô tả của tôi mà viết ra từ bằng tiếng Pháp.

Công việc khởi đầu một cách xuôi chảy cho tới lúc chúng tôi gặp một từ được dịch sang tiếng Việt là “con heo đất”. Tôi mô tả không chút do dự : đó là một đồ vật có hình thù con heo, được làm bằng đất nung có khoét một lỗ trên lưng để người ta bỏ tiền để dành hay tiền tiết kiệm vào đó. Sau một thời gian, người ta đập con heo lấy tiền tiết kiệm được để tiêu vào một công việc nào đó.

Nhà dân tộc học nghe tôi mô tả, nhưng vẫn ngồi im, vẻ trầm ngâm. Cuối cùng, tôi phải hỏi : có điều gì anh chưa hiểu trong những gì tôi nói sao? Nhà dân tộc học người Pháp trả lời : Tôi hơi nghi, vì người Raglai chưa có khái niệm tiết kiệm. Và ông đề nghị khoanh từ này lại để hỏi người bạn của chúng tôi là người Raglai  nhưng biết tiếng Việt. Và cuối cùng, người bạn này giải thích : đó là một con vật, giống như con heo con, chuyên bới đất đào lỗ để làm ổ.

Qua kinh nghiệm này, tôi thêm xác tín rằng việc phiên dịch không chỉ là vấn đề từ ngữ, mà còn là công việc nghiên cứu và tìm tòi. Mả công việc này thì một cái máy dịch tinh vi tới đâu cũng khó mà có thể thay thế con người được.  

Và tôi có thể hiểu rằng giải văn hóa Phan Châu Trinh về dịch thuật như một sự công khai nhìn nhận việc phiên dịch vẫn còn là một công việc cần thiết và trong nhiều trường hợp, gần như bắt buộc. Và chính Giáo sư Trần Văn Toàn, trong bài viết nêu trên đây, cũng có kể một câu chuyện khẳng định sự cần thiết này. Câu chuyện kể về một cuộc hội thảo quốc tế được tổ chức vào đầu tháng 9 năm 1995 của một Trung tâm Nghiên cứu và Trao đổi về sự truyền bá và hội nhập văn hoá của đạo Thiên Chúa (Centre de Recherches et d’Echanges sur la Diffusion et l’Inculturation du Christianisme, tức CREDIC, Lyon), đã khai mạc bằng một câu mà tác giả và có lẽ cũng là người tham dự cuộc hội thảo này, cho là chí lý: “Au commencement était la traduction” (Bước đầu tiên là phiên dịch), gợi lại câu đầu tiên của cuốn sách đặt ở đầu của bộ Thánh Kinh.

Sự kiện gần chúng ta hơn, về không gian cũng như thời gian, là trên những kệ sách của một số thư quán dành cho đại chúng, người ta có thể thấy con số các sách dịch các tác phẩm nổi tiếng trên thế giới về các chủng loại khác nhau, ngày càng nhiều, và ngày càng có nhiều người lui tới tìm đọc. 

Sự kiện không ít những vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, ngoài trách nhiệm giảng dạy của mình, còn kiên nhẫn tự tay mình hay cùng với một số học viên dịch những tác phẩm được xem là then chốt hay không thể bỏ qua đối với đề tài hay ngành chuyên môn mình có bổn phận hướng dẫn thực hiện, vì hiểu rằng đây vẫn là một cách thích hợp và hữu hiệu khi cần phải mở ra một cánh cửa, để có thể tiếp xúc được với một lối nhìn mới, -“nhìn sự vật, nhìn thế cuộc, nhìn đồng loại”-, để có thể khám phá ra những cái khác trong một nền văn hóa khác, trong hy vọng những cái khác này sẽ tác động trên thái độ, trên dự định của từng cá nhân và tập thể qua đó góp phần phát triển xã hội, nếu tôi hiểu không lầm, thì đó cũng là điều Quỹ Văn Hóa mang tên Phan Châu Trinh đang theo đuổi.

Một lần nữa, tôi xin chân thành cám ơn Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, không phải chỉ vì đã dành cho tôi giải thưởng về dịch thuật, mà là vì mối quan tâm sâu sắc của quý vị, được bày tỏ qua việc thiết lập giải thưởng này, dành cho một hoạt động mang đậm tính cách văn hóa, là góp phần tạo nên những cơ hội ngày càng nhiều để ngày càng có nhiều người có thể tiếp xúc được với kho tàng văn hóa chung của nhân loại, qua đó góp phần xây dựng một xã hội tiến bộ.    

Xin kính chào