Danh nhân văn hóa Phan Bội Châu

 

DỰ ÁN TÔN VINH TINH HOA VĂN HÓA VIỆT NAM THỜI HIỆN ĐẠI

ĐÔI NÉT VỀ DANH NHÂN VĂN HÓA
PHAN BỘI CHÂU (1867 - 1940)

 

Chương Thâu tóm lược

 

Phan Bội Châu (tên cũ là Phan Văn San), hiệu Hải Thụ và Sào Nam và khi viết báo viết sách còn có nhiều bút danh khác nữa như Việt Điểu, Sào Nam, Phan Thị Hán, Độc Tỉnh Tử, Hãn Mãn Tử v.v… sinh ngày 26 - 12 - 1867 ở làng Đan Nhiễm, nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình Nho học nghèo.

Ngay từ nhỏ, Phan Bội Châu đã nổi tiếng thông minh, 8 tuổi đã học thông thạo các loại văn cử tử, 13 tuổi đi thi ở huyện đỗ đầu, 16 tuổi đỗ đầu xứ nên cũng gọi là Đầu Xứ San.

Phan Bội Châu còn là một người rất gần gũi cuộc sống của nhân dân lao động và từng là một chàng trai hát phường vải có tài. Nhưng điểm  đặc sắc nhất ở Phan là sớm có tinh thần yêu nước. Từ 9 tuổi, đã được sống  giữa phong trào “bình Tây” sôi nổi nổ ra ở xứ Nghệ. 17 tuổi đã thảo hịch “Bình Tây thu Bắc”; 19 tuổi (1885) kinh thành Huế thất thủ, hưởng ứng “Chiếu Cần Vương” của vua Hàm Nghi, thân hào Nghệ  Tĩnh nổi lên khắp nơi, Phan cũng  tổ chức một đội “Thí sinh quân” 60 người để ứng nghĩa, nhưng chưa kịp hành động đã bị đàn áp dẫn đến tan rã.

Trong khoảng 10 năm cuối thế kỷ XIX, Phan vừa làm một thầy đồ dạy học để nuôi cha già em dại, vừa tìm đọc Tân thư, Tân báo để mở rộng kiến thức và giao du, tìm người đồng tâm, đồng chí chuẩn bị cho công việc cứu nước diệt thù.

Năm 1900, Phan dự kỳ thi Hương và đỗ thủ khoa (Giải nguyên) trường Nghệ và chính thức bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng. Cùng bạn bè đồng chí, Phan thành lập hội Duy Tân (1904), chủ trương dùng vũ trang bạo động và nhờ ngoại viện để đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, lập ra chính phủ độc lập.

Đầu năm 1905, Phan Bội Châu lãnh đạo phong trào Đông Du, từ 1905 - 1908 ông đã tổ chức cho gần 200 thanh niên yêu nước xuất dương sang Nhật học tập ở các trường Chấn Võ học hiệu, Đồng Văn thư viện…, lại lập ra Công hiến hội  để quản lý việc học tập, tu dưỡng tư tưởng, đạo đức của lưu học sinh. Đồng thời ông cũng liên lạc với các Hội, Đảng yêu nước tiến bộ của các chính khách các nước có mặt ở Tokyo nhằm trao đổi học tập kinh nghiệm vận động  cứu nước, ủng hộ lẫn nhau. Đặc biệt, ông còn sáng tác rất nhiều thơ văn tuyên truyền yêu nước như Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư, Tân Việt Nam, Sùng bái giai nhân, Việt Nam quốc sử khảo, v.v… nhằm thức tỉnh nhân dân.

Tháng 3 - 1909, tổ chức Đông du bị giải tán, Phan Bội Châu bị chính quyền Nhật Bản trục xuất, phải về ẩn náu ở Trung Quốc một thời gian ngắn rồi sang Thái Lan mở trại cày Bạn Thiềm để  tính kế lâu dài.

Năm 1911, Cách mạng Tân Hợi Trung Quốc thành công, Phan Bội Châu lại trở lại Trung Quốc tập hợp số anh em đồng chí còn lại, tuyên bố giải tán Duy Tân Hội, thành lập Việt Nam Quang Phục Hội (1912) với tôn chỉ duy nhất “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước Cộng hòa Dân quốc Việt Nam”.

- Hội cử người về nước hoạt động, đã gây nên một số vụ bạo động vũ trang có tiếng vang, nhưng kẻ thù thẳng tay đàn áp. Phan Bội Châu bị bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam ngày 24/12/1913.

- Năm 1917 ra tù, chiến tranh thế giới sắp kết thúc, ảnh hưởng Cách mạng Tháng Mười Nga và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc sôi nổi khắp thế giới, đặc biệt là ở phương  Đông, ông dần dần nghiêng về Cách mạng thế giới, tìm hiểu Cách mạng Tháng Mười, viết báo ca  ngợi Lê Nin vĩ đại … Giữa năm 1924, phỏng theo Quốc Dân Đảng Trung Quốc của Tôn Trung Sơn, ông đã cải tổ VNQPH thành VNQD Đảng .

- Tháng 12 năm 1924, sau khi được tiếp xúc và được sự góp ý của Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu dự định cải tổ lại VNQD Đảng theo hướng tiến bộ như của Tôn Trung Sơn (1924). Nhưng ngày 30/6/1925, trên đường từ Hàng Châu về Quảng Châu, vừa đến ga Bắc Thượng Hải thì Phan Bội Châu bị mật thám bắt cóc về nước, rồi xử ở tòa Đề hình.

- Một phong trào bãi khóa, bãi công, bãi thị đã bùng nổ  rầm rộ đòi trả tự do cho Phan Bội Châu. Cuối cùng, thực dân Pháp buộc phải tha bổng ông, nhưng lại bắt an trí tại Huế và từ đó Phan Bội Châu được mệnh danh là “Ông già Bến Ngự” rất đỗi thân thương của nhân dân ta và Phan Bội Châu đã từ trần tại túp nhà tranh trên dốc Bến Ngự ngày 29/1/1940 thọ 73 tuổi.

- Từ năm 1926, khi trở thành Ông già Bến Ngự, Phan Bội Châu bị cách ly với thực tế đấu tranh của dân tộc. Tuy vậy, ông vẫn cố vươn lên, hi vọng tiếp tục hoạt động cứu nước và trong điều kiện sống bị bao vây theo dõi ráo riết, ông vẫn cố gắng làm một người  tuyên truyền yêu nước.

- Thơ văn của ông vẫn tiếp tục nói nhiều đến nỗi khổ nhục của người dân mất nước và trách nhiệm của người dân đối với nước. Ông viết các bài Huấn ca, như các tập văn vần Nam, Nữ quốc dân tu tri, Cao đẳng quốc dân, Thuốc chữa dân nghèo, Luân lý vấn đáp, Lời hỏi thanh niên. Ông đã viết tập tự truyện Phan Bội Châu niên biểu để tự phê phán và đúc rút kinh nghiệm cuộc đời yêu nước và cứu nước của ông cho hậu thế.

- Phan Bội Châu, trong thời gian này còn biên soạn mấy công trình nghiên cứu học thuật có giá trị như: Xã hội chủ nghĩa, Nhân sinh triết học, Khổng học đăng, Phật học đăng, Chu dịch diễn giải, Tư tưởng Phương Đông, v.v…

Ở Phan Bội Châu nổi bật nhất là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng bền bỉ sâu sắc. Đọc ông, mọi người đều bị cuốn hút thôi thúc và như thấy phải sẵn sàng hành động.

- Trong hoạt động chính trị, ông có đường lối khá toàn diện, đặc biệt chú trọng mặt đào tạo cán bộ, thành lập tổ chức lãnh đạo cách mạng, đoàn kết mọi lực lượng có thể khai thác phục vụ công cuộc cứu nước, không thể xem ông đơn giản chỉ có tư tưởng bạo động và cầu ngoại viện. Ông cũng biết chuyển mình theo cái mới, từ tư tưởng quân chủ, quân chủ lập hiến - tư sản dân quyền rồi chuyển dần sang cảm tình chủ nghĩa xã hội. Trước sau ông vẫn giữ được phẩm chất cao khiết, không để cho kẻ địch lung lạc.

Suốt cả thời gian đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu đã trở thành thần tượng của toàn dân tộc Việt Nam, đúng như lời đánh giá của Nguyễn Ái Quốc: “Phan Bội Châu… bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”.

Đến thế hệ chúng ta vẫn nhất trí tôn vinh “Ông là nhà chí sĩ yêu nước chân chính”.