DIỄN TỪ NHẬN GIẢI
GIẢI VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH 2018
Nhóm dịch sách Nhất nghệ tinh

(Giải Vì sự nghiệp Văn hóa – Giáo dục)

 

Kính thưa bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh,

Kính thưa các thành viên trong Hội Đồng Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh,

Kính thưa quý vị quan khách,

Vào những ngày đầu tháng hai năm nay, trong không khí rộn ràng đón Tết Mậu Tuất, một tin vui đến bất ngờ, khi tôi nhận được tin qua Email, Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh sẽ trao giải vì ´´Sự nghiệp Văn hóa – Giáo dục´´ cho nhóm dịch sách Nhất Nghệ Tinh.

Đó là điều mà chúng tôi chưa bao giờ mơ tưởng đến. Lúc đó cảm giác của tôi đầu tiên là vui mừng, nhưng sau suy nghĩ lại thì rất lo lắng vì công việc dịch sách thì nhỏ mà giải thưởng về văn hóa giáo dục, thì quá to lớn. Hôm nay, đại diện cho nhóm dịch NNT, tôi rất vinh dự đến nhận giải thưởng cao quý này và xin vô cùng cám ơn các quý vị trong Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh.

Trước hết xin phép quý vị tôi có một vài dòng về nhóm dịch sách NNT.

Chúng tôi xuất thân là những sinh viên từ miền Nam sang Tây Đức du học vào những năm 1960 đến 1974. Năm 1976, chúng tôi thành lập UBTT (tên Đức là vietnamesisches Studienwerk in der BRD e.V.), một hội đoàn từ thiện nhằm mục đích giúp đỡ nhau học tốt và sớm tốt nghiệp. Sau khi đã ổn định cuộc sống, khoảng năm 1980, UBTT đã chuyển hướng về giúp Việt Nam, chủ yếu trong lãnh vực giáo dục và từ hơn 25 năm nay chúng tôi đã đồng hành với báo Tuổi Trẻ trao HB cho các em HS/SV, xây nhà bán trú để cho các em học sinh người dân tộc có chỗ trú ngụ ăn ở.

Phần lớn, chúng tôi đi Đức học kỹ thuật và đã được đào tạo, sống và làm việc lâu dài trong một xã hội Đức có truyền thống lâu đời trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Các sản phẩm của Đức dù rất đắt tiền, nhưng thương hiệu ‘Made in Germany‘ vẫn rất được ưa chuộng khắp thế giới vì chất lượng cao. Đó là, nhờ nước Đức từ lâu đã có tầng lớp kỹ sư rất giỏi, một đội ngũ công nhân vững mạnh, tay nghề cao, được đào tạo rất bài bản vừa trong hãng xưởng, vừa trong trường học, theo hệ thống đào tạo song hành (kép), lý thuyết và thực hành kết hợp nhuần nhuyễn trong suốt học trình ba năm và kết quả là tỷ lệ giới trẻ ở Đức bị thất nghiệp luôn luôn rất thấp so với các nước tiên tiến trên thế giới.

Nhìn về trong nước, chúng tôi nhận thấy là việc đào tạo và nâng cao tay nghề cho công nhân còn nhiều khó khăn, đặc biệt sách vở chuyên môn cho các ngành nghề không có hay thiếu hụt rất nhiều. Trong khi đó tại Đức, sách chuyên ngành loại này rất phong phú, có một không hai trên thế giới. Do đó, hoài bão của chúng tôi là chuyển tải càng nhiều càng tốt những tri thức vô giá của kỹ nghệ Đức này về cho quê hương.

Cách đây chừng 10 năm, hưởng ứng phong trào Nhất Nghệ Tinh ở trong nước, nhằm mục đích kêu gọi học sinh và phụ huynh từ bỏ đầu óc trọng học vị, bằng cấp, khuyến khích con cháu nên học nghề cho tinh, để ra trường dễ kiếm việc làm. Vào năm 2009, cùng với báo Tuổi Trẻ và báo Giáo dục, UBTT đã hỗ trợ lần đầu tiên việc trao HB Nhất Nghệ Tinh. Qua năm 2010, cùng với anh Võ Như Lanh, nguyên chủ tịch quỹ Thời báo Kinh Tế Sài Gòn (STF, Saigon Times Foundation) chúng tôi thành lập Tủ sách Nhất Nghệ Tinh, để dịch những cuốn sách chuyên ngành (giáo trình) quan trọng của Đức hỗ trợ cho hệ thống giáo dục nghề tại Việt Nam.

Thế là, sau khi thành lập Tủ sách NNT, UBTT đã tổ chức nhóm dịch NNT. Chỉ trong vài ngày sau khi thành lập, nhóm đã có hơn 20 anh chị em tham gia, mặc dầu lúc đó đại đa số chúng tôi còn đi làm, và chỉ là chuyên viên kỹ thuật thuần túy, có người chưa bao giờ viết sách, dịch thuật. Thật là một việc làm mới mẻ và ngoài khả năng lúc đó. Nhưng qua quá trình phát triển, nhóm dịch NNT đã tăng lên nhanh chóng, hiện nay có cả sự tham gia của các bạn tốt nghiệp từ CHDC Đức cũ (Đông Đức) và các bạn trẻ mới qua Đức du học. Cũng như mục đích của UBTT, nhóm dịch sách NNT hoạt động bất vụ lợi, làm việc trong tinh thần tự nguyện.

Đến nay Tủ sách NNT hoạt động cũng được 8 năm. Hôm nay,  chúng tôi vô cùng thương tiếc là anh Lanh đã ra đi, lúc cuốn sách thứ 2 của Tủ sách vừa mới ra đời và nhân tiện đây xin cám ơn sự cộng tác chung với quỹ Thời báo Kinh Tế Sài Gòn (STF).

Cho đến nay, chúng tôi đã mua bản quyền từ NXB Europa-Lehrmittel, đó là một nxb nổi tiếng hàng đầu ở Đức, chuyên về soạn thảo sách dạy nghề (hơn 1500 đầu sách) và sách của họ cũng đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ và chúng tôi đã xuất bản được bốn cuốn sách rất cơ bản, đó là Chuyên ngành Cơ khí, Chuyên ngành Điện và điện tử, Chuyên ngành Cơ điện tử và Chuyên ngành Kỹ thuật Ô tô và Xe máy hiện đại.

Trong các cuốn sách trên chúng tôi đã làm chung với nhà xuất bản Trẻ và có thể tự hào mà nói rằng chất lượng về in ấn không thua gì với bản gốc. Các đầu sách đó được sự đón nhận nồng nhiệt của giới chuyên môn, giáo sư và học sinh sinh viên ở trong nước. Cuốn Chuyên ngành Cơ khí là cuốn sách đầu tay của Tủ sách NNT, đã được nhận giải thưởng Sách hay năm 2013 của Viện Giáo Dục IRED (IRED Institut of Education) và Dự án Sách hay ở hạng mục Phát hiện mới. Nhân tiện đây, chúng tôi cũng xin cám ơn sự cộng tác chung với NXB Trẻ, cám ơn ban biên tập, ban kỹ thuật dàn trang của NXB Trẻ đã bảo đảm chất lượng sách về hình thức lẫn nội dung.

Trong vài tháng tới đây, sẽ có thêm ba cuốn nữa được xuất bản: đó là cuốn Cẩm nang Hóa học, Chuyên ngành Sinh học, Chuyên ngành Chất dẻo, là những ngành căn bản và quan trọng. Chúng tôi đang ở giai đoạn cuối của việc dịch các quyển Kỹ thuật Môi trường, Kỹ thuật Xây dựng, Chuyên ngành Trang phục. Trong tương lai chúng tôi sẽ dịch thêm những đầu sách bổ sung cho các sách trên như: các sổ tay (cẩm nang) để các em tra cứu và các sách bài tập để giúp học sinh và thầy cô đào sâu những đề tài đã học.

Những cuốn sách chuyên ngành trên là sự tổng hợp giáo trình do các Bộ Giáo dục của CHLB  Đức soạn thảo cho hệ thống đào tạo nghề song hành. Ngoài ngành chuyên môn chính, sách còn tích hợp kiến thức cơ bản của những ngành phụ liên quan, nên việc dịch sách không thể do một người, mà là do nhiều người từ các chuyên ngành khác nhau.

Vì đây là sách giảng dạy, nên việc dịch thuật phải nghiêm túc, tránh tạo lỗi sai, có thể gây hậu quả không tốt, nên chúng tôi rất thận trọng khi thực hiện. Để hoàn tất một cuốn sách chuyên ngành, trung bình chúng tôi cần đến 20 người. Thời gian kể từ khi bắt đầu dịch cho đến khi in mất ba năm. Cho nên, thành quả của công trình này không phải là do một hai cá nhân, mà là sự chung sức làm việc, hòa đồng với nhau của một tập thể trong và ngoài nước.

Nhân dịp trao Giải Thưởng của cụ Phan Châu Trinh, chúng tôi rất cảm kích khi nhận ra chủ trương ´´khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh´´của cụ Phan tuy đã có từ hơn một trăm năm, nhưng nay vẫn còn nguyên tính thời sự, vẫn còn mới mẻ và cần thiết trong việc đào tạo thế hệ trẻ.

Trong tinh thần đó và để tỏ lòng biết ơn khi được nhận Giải ´´Vì Sự Nghiệp Văn hóa - Giáo dục´´cao quý, chúng tôi tâm niệm là sẽ tiếp tục phát triển việc dịch sách chuyên ngành, phổ biến sách rộng rãi, cổ động khuyến khích hệ thống đào tạo giáo dục song hành để xứng đáng với phần thưởng cao quý này.

Xin chân thành cám ơn các vị trong Hội Đồng Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh và quý vị quan khách.

Thay mặt Nhóm dịch NNT

 Đặng văn Châm