TIN TỨC / SỰ KIỆN

“Dạ yến văn hóa” từ Giải thưởng Phan Châu Trinh

Từ phải qua: GS Pierre Darriulat, GS Nguyễn Nam Trân và nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Lanh nhận giải Phan Châu Trinh 2016. Ảnh: Nguyễn Vinh

“Dạ yến văn hóa” là từ mà Giáo sư Đào Hữu Dũng, bút hiệu Nguyễn Nam Trân – người nhận giải thưởng dịch thuật của giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần IX – 2016 nói về đêm trao giải thưởng này, 24-3-2016 tại Khách sạn Rex, quận 1, TP.HCM.

Qua 9 lần trao giải, được tổ chức hàng năm, đêm trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh vẫn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới học giả trong nước và một số nhà nghiên cứu nước ngoài đang sống tại Việt Nam.

Có khoảng 500 người đã đến, ngồi kín hội trường đêm trao giải thưởng này tối qua để chờ kết quả “vinh danh các cá nhân xuất sắc đã và đang có những nỗ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp canh tân văn hóa và giáo dục Việt Nam”, theo lời giới thiệu của ban tổ chức giải.

Năm nay, giải văn hóa Phan Châu Trinh vinh danh năm nhân vật: GS Trịnh Xuân Thuận và GS Pierre Darriulat trong hạng mục vì sự nghiệp Văn hóa – giáo dục, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Lanh ở hạng mục Nghiên cứu, GS Đào Hữu Dũng (Nguyễn Nam Trân) ở hạng mục Dịch thuật, và Peter Zinoman ở hạng mục Việt Nam học.

Ngoài ra, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh lần IX - 2016 cũng chính thức tôn vinh Nguyễn Văn Vĩnh – học giả, nhà tân học đầu thế kỷ 20 - đưa vào Dự án tinh hoa Văn hóa Việt Nam thời hiện đại.

Trong một clip được gửi về ban tổ chức giải, thay cho diễn từ, ông Peter Zinoman, người từng học Việt Nam học từ thập niên 1980, có nhiều tác phẩm nghiên cứu về Việt Nam, cũng là dịch giả giới thiệu tác phẩm Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… ra tiếng Anh đã chia sẻ bằng tiếng Việt: “Tôi thật may mắn vì đã gia nhập ngành Việt Nam Học vào giữa thập niên 1980, thời điểm ngành này vừa thức dậy, và bước vào giai đoạn bền vững đầu tiên của một thời kỳ phát triển bình thường kể từ Thế chiến thứ Hai. Tôi thuộc thế hệ đầu tiên được theo đuổi nghiên cứu về Việt Nam mà không phải chịu áp lực nặng nề từ các cuộc nội chiến, cách mạng xã hội và xung đột quốc tế. Tất nhiên là chúng tôi cũng phải chịu các áp lực khác, nhưng nói chung, mọi việc dễ hơn nhiều so với các học giả trước đây khi theo đuổi viễn kiến trí thức của cá nhân họ. Đặc điểm này, theo tôi, là điều kiện tiên quyết quan trọng nhất cho sự phát triển và khuếch trương của ngành Việt Nam Học. Vì vậy, ngoài việc thực hiện nghiên cứu của riêng mình, tất cả các học giả về Việt Nam, cả trong và ngoài nước, đều có phận sự củng cố những tiến bộ của thế hệ trước bằng cách bảo đảm để tinh thần tự do, cởi mở và đa dạng sẽ tiếp tục được phát huy trong ngành”.

Cũng trong clip gửi về từ Mỹ, GS Trịnh Xuân Thuận, tác giả của nhiều đầu sách phổ biến tri thức vật lý thiên văn từng được nhiều giải thưởng lớn quốc tế và được đón nhận rộng rãi trong nước thời gian gần đây, cũng chia sẻ rằng những đầu sách tri thức vật lý thiên văn viết cho người đọc trẻ vào thập niên 1950, 1960 tại Sài Gòn đã nuôi dưỡng trong ông niềm đam mê đặc biệt với thế giới kỳ lạ của bầu trời và các vì sao, tự vấn về thời gian, sự vận động vũ trụ và dấn bước vào hành trình khám phá đầy lý thú này.

“Tôi sẽ rất sung sướng nếu các tác phẩm có thể nuôi dưỡng sự suy tư và làm thay đổi ít nhiều nhãn quan về vũ trụ của một số người ở Việt Nam. Bất chấp những thăng trầm của lịch sử, Việt Nam là một đất nước luôn luôn đề cao những giá trị giáo dục và tri thức. Tôi ấp ủ hy vọng rằng tất cả các tác phẩm của tôi sẽ làm nảy sinh ra những chí hướng khoa học của một số bạn trẻ có trí tuệ. Và cũng hi vọng rằng những hạt giống được gieo trong các tác phẩm đó một ngày nào đó sẽ đâm chồi nảy lộc và phát triển thành trái xum xuê”, GS Thuận nói.

Cũng quan tâm đến cơ hội phát triển cho người trẻ, GS Pierre Darriulat - sinh năm 1938, là nhà vật lý, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ năm 1986, từng đoạt giải thưởng André Lagarrigue năm 2008 của viện máy gia tốc tuyến tính Orsay, hiện đang sống tại Hà Nội, cũng chính là người thành lập phòng thí nghiệm tia vũ trụ đầu tiên tại Việt Nam - cho rằng: “Để thành công, chúng ta cần phải tin tưởng vào thế hệ trẻ nhiều hơn nhiều so hiện nay. Chúng ta cần phải dựa vào sự nhiệt tình, năng lượng, tài năng, sự hào phóng, niềm tin của họ vào tương lai mà ở đó họ là những nhân vật chính. Chúng ta cần phải trao cho họ cơ hội để mang lại cho đất nước nguồn không khí trong lành mà chúng ta rất cần để thở sâu hơn. Chúng ta cần phải trao cho họ cơ hội để thay đổi mọi thứ trở nên thứ tốt đẹp hơn, động viên họ chủ động đóng góp công sức của mình cho sự tiến bộ và phát triển của dân tộc".

Ông tiếp tục: "Tương lai của đất nước nằm trong tay họ, những bàn tay của thế hệ Đổi Mới. Họ đã không phải chịu đựng những cuộc chiến tranh, đói khổ, những nỗi đau, nỗi buồn, sự áp bức mà cha mẹ và ông bà họ đã phải chịu đựng. Họ được thừa hưởng từ ông bà cha mẹ độc lập và tự do. Mục tiêu của họ không còn là chiến thắng trong những cuộc chiến tranh mà là chiến thắng trong hòa bình. Sự nghiệp đó cũng cao quý như sự nghiệp mà các bậc cha mẹ và ông bà của họ đã từng chiến đấu. Điều đó vừa cao quý nhưng cũng đồng thời là thử thách. Chúng ta phải làm hết sức mình để ủng hộ và động viên họ thực hiện nhiệm vụ; trang bị cho họ những công cụ giúp họ vượt qua những khó khăn trở ngại trong tương lai”.

                                                                           GS Pierre Darriulat. Ảnh: Nguyễn Vinh

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Lanh, nguyên là GS trường Đại học Y Hà Nội, tác giả của nhiều công trình về Miễn dịch, Sinh lý bệnh học… lại cũng là tác giả cũng những công trình văn hóa học có thái độ học thuật và trí thức được học giới quan tâm thời gian gần đây như viết về hành xử của trí thức dưới chế độ cũ, nhìn lại sự vận động trí thức Việt Nam đầu thế kỷ 20, góc nhìn riêng về một số nhân vật lịch sử quan trọng và gây tranh cãi… Qua 10 điểm rút ra từ tinh thần, tư tưởng Phan Châu Trinh, trong diễn từ nhận giải, ông gợi mở rất nhiều suy tư về thời cuộc hiện tại.

Bốn chữ “độc lập tự tôn”, coi trọng học vấn của học giả Nhật Fukuzawa Yukichi được dịch giả, chuyên gia văn hóa Nhật Nguyễn Nam Trân nhắc lại cũng gặp gỡ với tư tưởng canh tân văn hóa của Phan Châu Trinh. Và đó chính là thông điệp, thái độ được nhấn mạnh ở kỳ trao giải thưởng Phan Châu Trinh năm nay.

(Nguồn: thesaigontimes.vn)

NHỮNG BÀI VIẾT KHÁC