Danh nhân văn hóa Phan Khôi

Diễn từ trong buổi lễ vinh danh 

Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao chứng nhận 

 “Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại” 

cho nhà báo Phan Khôi 

 (Khách sạn REX, 141 Nguyễn Huệ, Quận 1, TPHCM 

18:30 – 21:30 ngày 24/03/2017)

 

Kính thưa bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh!

Kính thưa GS.TS Chu Hảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh!

Kính thưa Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng khoa học Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh!

Kính thưa quý bà con thân thuộc, dòng tộc, bạn hữu và hậu duệ của gia đình nhà báo Phan Khôi!

Kính thưa các vị khách quý!

Các thập niên cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là một thời kỳ đầy biến động của xã hội Việt Nam về các phương diện chính trị, tư tưởng, văn hóa, ngôn ngữ, v.v… Trong thời kỳ đó, một thế hệ các học giả Việt Nam đã đi vào lịch sử tư tưởng, lịch sử văn học Việt Nam như những gạch nối giữa nền cựu học với nền tân học, để lại các di sản quý giá về sự tổng hợp cái thâm thúy và tế nhị của nền văn hóa phương Đông với cái khúc chiết, khoa học của nền văn hóa phương Tây. Nhà báo Phan Khôi được vinh dự đứng trong hàng ngũ các học giả đáng kính đó.

Chúng tôi chân thành cảm ơn Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá sự đóng góp và tôn vinh những học giả thuộc thế hệ này, như những danh nhân tiêu biểu của nền văn hóa Việt Nam thời hiện đại. Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh là một tổ chức đầy tính nhân văn có uy tín cao của trí thức Việt Nam với một Hội đồng Khoa học thật sự công tâm, khách quan và trung thực. Sự công nhận của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh là một vinh dự lớn lao đối với các cá nhân được vinh danh.

Hôm nay, toàn thể các hậu duệ của nhà báo Phan Khôi vô cùng cảm kích với quyết định của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh công nhận ông là Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại (giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX). Quyết định đó có lẽ làm cho, ở cõi hư vô, nhà báo Phan Khôi được gặp lại và nhận được lời khen ngợi của người thầy đáng kính của mình, Chí sĩ Phan Châu Trinh.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Kính thưa vong linh nhà báo Phan Khôi!

Các hậu duệ của Phan Khôi luôn tự hào khi ôn lại cuộc đời vô cùng sôi động của bậc tiền bối đáng kính của mình.

Vào những năm trẻ tuổi, Phan Khôi bắt đầu tham gia phong trào Duy Tân dưới sự dẫn dắt của người bạn của cha mình là Chí sĩ Phan Châu Trinh. Từ đó, Phan Châu Trinh là người thầy và cũng là ngọn đuốc soi đường của Phan Khôi trên con đường cách mạng cũng như các hoạt động báo chí. Tôn chỉ của nhà cách mạng Phan Châu Trinh là kim chỉ nam cho phương hướng hoạt động văn học nghệ thuật của Phan Khôi, với mục đích nâng cao dân trí cho người Việt Nam, góp phần xây dựng một nước Việt Nam độc lập và hùng mạnh. Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân đã nhận xét một cách xác đáng rằng: “Có thể nói Phan Khôi là người thể hiện rõ nhất và thành công nhất chủ trương duy tân kiểu Phan Chu Trinh vào đời sống, nhưng khác với người tiền bối ấy, Phan Khôi hoàn toàn không thể hiện mình như một chí sĩ; ông sống như một người thường trong đời thường, chỉ hoạt động chuyên nghiệp như một nhà ngôn luận, chỉ tác động đến xã hội bằng ngôn luận”.

Phan Khôi tự nhận mình là một người viết báo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Phan Khôi không dừng lại ở một người viết báo phản ảnh thời cuộc mà đã tự nâng lên đến tầm cao tư duy khoa học. Khối di sản ông để lại cho hậu thế thể hiện trong nhiều nghìn trang sách báo, đề cập và luận bàn về một loạt các vấn đề khác nhau, từ nho giáo đến lịch sử, từ ngữ pháp đến luận lý học, từ khoa học kỹ thuật đến triết học, từ vấn đề nữ quyền đến các vấn đề xã hội, từ thơ ca đến văn chương, từ sáng tác đến dịch thuật, v.v… Vì vậy, giới trí thức và các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá cao Phan Khôi như một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn.

Như một học giả, trước tiên Phan Khôi là một nhà nghiên cứu khoa học tiên phong trong lĩnh vực khoa học xã hội với một loạt công trình nghiên cứu về Nho giáo, về lịch sử, về ngữ pháp tiếng Việt, về áp dụng luận lý học, v.v… Công trình khoa học tiêu biểu nhất của ông là phát minh ra một quy luật mới trong thi ca Việt Nam, trên cơ sở đó sáng tác bài thơ “Tình già” nổi tiếng, mở đầu phong trào thơ mới. Phan Khôi góp phần làm giàu tri thức của cộng đồng bằng cách nêu lên chính kiến của mình về nhiều vấn đề có liên quan đến con người và xã hội như văn hóa, triết học, khoa học, nhân sinh quan, quan điểm về học tập, vấn đề cải cách và vấn đề lập hiến, v.v… Những chính kiến của ông phần lớn đã được thực tế cuộc sống đánh giá là đúng đắn.

Như một nhà tư tưởng, Phan Khôi là người đầu tiên phân tích học thuyết Nho giáo, chỉ ra các nhược điểm của nó cản trở sự tiến bộ của xã hội, lên án Hán nho và Tống nho; là người đầu tiên phân tích sự khác biệt giữa hai tư tưởng phương Đông và phương Tây, đồng thời nêu lên tính ưu việt của nền khoa học và công nghệ phương Tây; là người đi tiên phong trong việc xây dựng quan niệm mới về người phụ nữ trong sự bình đẳng về giới tính, xem đổi mới vị trí người phụ nữ là góp phần đổi mới xã hội; v.v…

Như một nhà văn, Phan Khôi là người mở đầu cho nhiều thể loại văn học ở Việt Nam, như phê bình văn học, thể văn hài đàm; ông có những tác phẩm văn học như truyện ngắn, truyện dài, thơ và các công trình dịch thuật từ các tác phẩm của các nhà văn Trung Quốc nổi tiếng; ông xây dựng một lối viết văn khúc chiết, chặt chẽ, trong sáng và dễ hiểu trên cơ sở luận lý học; ông phấn đấu không mệt mỏi cho sự thống nhất tiếng Việt trong cả nước và viết đúng chữ quốc ngữ; ông mở mục “Vai ngự sử trên văn đàn” đảm nhận vai trò là người sửa văn, dọn vườn văn, góp phần làm trong sáng tiếng Việt; ông là một trong những người đã dịch Kinh Thánh cho Hội Tin lành Việt Nam ra tiếng Việt; v.v…

Đặc điểm nổi bật nhất trong các tác phẩm của Phan Khôi là tính phản biện. Ông thường lật ngược các vấn đề mà dường như ý kiến của cộng đồng đã đồng thuận hoặc coi là hiển nhiên. Vì vậy mà các tác phẩm của ông trở thành các công trình nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và hấp dẫn bạn đọc. Sự phản biện đó đã góp phần vào việc hoàn thiện nền tảng tri thức của xã hội Việt Nam.

Thái độ phê phán thẳng thắn của Phan Khôi thể hiện trong các tác phẩm phản biện xã hội. Sự phê phán của ông đầy tính thuyết phục vì ông hội đủ các tư chất của một nhà phản biện khách quan, có hiểu biết chuyên môn, nhạy bén với các mặt của cuộc sống, lý luận có logic, có khả năng phân tích và tổng hợp và đặc biệt là sự dũng cảm đương đầu với bộ máy cầm quyền.

Thập niên 30 của thế kỷ XX là thời gian sôi động với các cuộc bút chiến trên văn đàn Việt Nam, mà trong đó Phan Khôi thường đóng vai trò phát động hay diễn giả chính. Trong các cuộc bút chiến đó, Phan Khôi thể hiện là một nhà ngôn luận có kiến thức uyên bác, có phương pháp lập luận chặt chẽ với phong thái đĩnh đạc và niềm tin lạc quan vào sự thắng lợi của chân lý.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Lịch sử Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm trong nửa đầu thế kỷ XX. Phan Khôi đã sống và cống hiến trí tuệ của mình cho dân tộc và tổ quốc trong thời đại đầy biến động đó. Ông đi khắp ba miền của đất nước, chứng kiến một dân tộc đang đấu tranh quyết liệt giành lại nền độc lập cho đất nước, và bản thân ông đã trải qua những năm tháng hào hùng ở chiến khu Việt Bắc vì nền độc lập đó. Khi đất nước đã có độc lập rồi thì khát vọng của dân tộc là tự do và dân chủ. Phan Khôi là người đi tiên phong trong cuộc đấu tranh này với bao nhiêu gian nan và cay đắng, tưởng chừng ông phải gục ngã trước quyền uy.  

Nhưng không. Phan Khôi vẫn là một người con xứ Quảng với bản tính cương trực, tự tin và yêu cuộc sống. Ở tuổi xế chiều của cuộc đời, chịu đựng bao điều bất công nghiệt ngã, ông vẫn thanh thản cống hiến sức lực còn lại của mình cho xã hội, như ông đã viết trong bài thơ Nắng chiều nổi tiếng:

Nắng chiều đẹp có đẹp,

Tiếc tài gần chạng vạng,

Mặc dù gần chạng vạng,

Nắng được thì cứ nắng.”

Nắng được thì cứ nắng! Phương châm sống đó đã làm cho Phan Khôi đứng vững trên đôi chân của mình, hăng say nghiên cứu văn học cho đến những ngày cuối cùng trước khi từ giã cõi trần.

Phan Khôi ra đi với niềm tin mãnh liệt rằng một ngày nào đó trong tương lai, chân lý sẽ thuộc về ông, người đời sẽ hiểu ông và trả lại cho ông cái giá trị đích thực của ông. Ngày đẹp trời đó đã đến, chính là hôm nay, kỷ niệm một trăm ba mươi năm ngày sinh của ông, tại buổi lễ trang trọng này, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh công nhận và khẳng định ông là Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại.

Một lần nữa, chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự đánh giá của Hội đồng Khoa học Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh về sự nghiệp và các đóng góp của Phan Khôi trong lịch sử phát triển văn hóa Việt Nam của nửa đầu thế kỷ XX. Cảm ơn Quỹ đã vinh danh Phan Khôi, thể hiện sự trân trọng một người học trò xứng đáng của nhà chí sĩ cách mạng Phan Châu Trinh mà quý Quỹ được vinh hạnh mang tên.

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn các nhà văn, các nhà nghiên cứu và các bạn hữu đã chung sức trong nhiều năm qua trong việc sưu tầm và nghiên cứu các trước tác của Phan Khôi, nhằm khôi phục lại chân dung đích thực của ông, một danh nhân xứng đáng được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh vinh danh hôm nay.

Noi gương bậc tiền bối, tất cả các hậu duệ của Phan Khôi đồng lòng phát huy tuyền thống hiếu học, trau dồi phẩm chất đạo đức và hết lòng phụng sự đất nước mà Phan Khôi đã nêu gương gần một thế kỷ trước đây.   

Chúng tôi xin cảm ơn sự quan tâm và chia sẻ của tất cả các vị khách quý, tất cả các bác, các cô, các chú, các anh chị em và bạn hữu đã đến dự buổi lễ vinh danh trang trọng này.

Xin kính chúc các quý vị sức khỏe, hạnh phúc và nhiều thành công!

Xin kính chúc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh ngày càng phát triển!

Xin trận trọng cảm ơn!