GII THƯỞNG NGHIÊN CỨU
NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC LẠI NGUYÊN ÂN

        Tên tuổi Lại Nguyên Ân được biết đến trong nền nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam đã hơn 30 năm. Ông là tác giả/ đồng tác giả của hơn 30 cuốn sách đã xuất bản, trong đó có sách lý luận phê bình văn học, sách dịch và biên dịch và sách sưu tầm, biên soạn về văn học sử Việt Nam. Đặc biệt là một loạt cỏc công trình mang tính chất văn bản học của Lại Nguyên Ân, cụ thể là những công trình sau đây:

-       Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết “Dông tố”. NXB Tri Trức, 2007 (704 trang)

-       Phan Khôi. Tác phẩm đăng báo 1928.NXB Đà Nẵng, 2003 (350 trang)

-       Phan Khôi .Tác phẩm đăng báo 1929.NXB Đà Nẵng, 2005 (770 trang)

-       Phan Khôi .Tác phẩm đăng báo 1930.NXB Hội Nhà văn, 2006 (1024 trang)

-       Phan Khôi .Tác phẩm đăng báo 1931.NXB Hội nhà văn, 2007 (1032 trang)

-       Phan Khôi.Tác phẩm đăng báo 1932.NXB Tri Thức, 2010 (890 trang khổ to)

Xin nói trước trên tới công trình “Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết “Dông tố”. Đây thực sự là công trình mở đường trong lĩnh vực văn bản học văn học Việt Nam thời mới. ở nước ta, công tác này đang bị coi nhẹ một cách hết sức vô trách nhiệm. Tác phẩm của các nhà văn Việt Nam thế kỷ XX đã trở thành kinh điển như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nam Cao... được in đi in lại rất nhiều lần, các nhà xuất bản ra hẳn những bộ Toàn tập của họ (riêng Vũ Trọng Phụng đã có hai bộ toàn tập, một do NXB Hội nhà văn, một do NXB Văn học ấn hành), nhưng văn bản của những tác phẩm ấy thì vẫn tiếp tục ở trong tình trạng trôi nổi, chưa được khảo cứu, hiệu chỉnh một cách khoa học, theo những tiêu chí, chuẩn mực của khoa văn bản học thế giới. Công trình của Lại Nguyên Ân về văn bản tiểu thuyết “ Dông tố” của Vũ Trọng Phụng là bước đi đầu tiên trong một công việc như thế. Để nghiên cứu văn bản tiểu thuyết “ Dông tố”, Lại Nguyên Ân đã dày công sưu tầm hai ấn bản đầu tiên của tác phẩm này xuất hiện khi Vũ Trọng Phụng còn sống: bản in trên báo năm 1936 và bản in thành sách năm 1937, đối chiếu chúng với nhau và với hai ấn bản sau khi Vũ Trọng Phụng qua đời, ( 1952, 1958) vẫn được sử dụng để in đi in lại hiện nay. Trên cơ sở những đối chiếu công phu, tỉ mỉ ấy tác giả xác lập một “ văn bản nền” của tiểu thuyết “ Dông tố”, chứa đựng khá nhiều dị biệt so với văn bản hiện hành. Lại Nguyên Ân đã thao tác không chỉ như một học giả, mà còn như một biên tập viên, hệ quả là anh đã tạo lập một “ văn bản lý tưởng” của tiểu thuyết “ Dông tố”.

Một công trình khác cũng rất xuất sắc của Lại Nguyên Ân, tiến hành đã 10 năm và đang được tiếp tục- đó là việc sưu tầm và công bố lại những tác phẩm đăng báo của Phan Khôi. Bản thân khối lượng công việc đã được thực hiện, thể hiện thành 5 cuốn sách đã in với tổng số trên 4000 trang, tự nó giới thiệu nó mà không cần bình luận. Điều cần nói ở đây là Lại Nguyên Ân không chỉ có công sưu tầm, mà rất công phu chuẩn bị văn bản để công bố lại hàng nghìn bài báo của Phan Khôi được viết và đăng gần một thế kỷ trước đây, với từ vựng, cú pháp, chính tả rất khác văn chương báo chí hiện nay. Công việc bề ngoài rất khiêm tốn này đòi hỏi không chỉ sự cần cù, nhẫn nại, tỉ mỉ, mà còn một trình độ học vấn cao, vốn tri thức nhân văn sâu rộng. Tất cả những phẩm chất ấy hiện ra rất rõ trong cả 5 cuốn sách của Phan Khôi mà Lại Nguyên Ân đã sưu tầm và biên soạn.

 

Góc thông tin về Giải thưởng