GIẢI VIỆT NAM HỌC
GS. SAKURAI YUMIO

Hà Nội tháng ba trời trong xanh. Lễ trao giải thưởng Tinh hoa giáo dục Quốc tế, Việt Nam học và Nghiên cứu năm 2008 của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh được tổ chức sáng ngày 27/3/2009, tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Ngay giữa lòng Thủ đô, lễ vinh danh các nhà nghiên cứu và dịch thuật diễn ra nhẹ nhàng và đầy xúc động.

Giáo sư Yumio Sakurai đọc diễn từ trước khi nhận giải thưởng, ca ngợi người phụ nữ Việt Nam một cách lịch lãm thông qua hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình. Ông nói: “Trong thời kỳ thanh xuân của tôi, từ 15 đến 30 tuổi - cũng là thời kỳ Việt Nam diễn ra cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Trong suốt thời gian 15 năm này, tôi không thấy có ngày nào là không có tên Việt Nam trên báo chí.

Đặc biệt, tôi đã nhìn thấy bức ảnh của một chiến sĩ nữ rất xinh đẹp. Chúng tôi, những thanh niên Nhật Bản, rất khâm phục và ngưỡng mộ người chiến sĩ nữ của Việt Nam ấy, đó chính là chị Nguyễn Thị Bình”. Rồi ông hướng về người phụ nữ có cái tên giản dị ấy, vốn là cháu ngoại cụ Phan Chu Trinh, ông nói rành rọt bằng tiếng Việt: “Hôm nay tôi rất vui và may mắn được gặp bà Nguyễn Thị Bình, vẫn đẹp một cách quý phái như 40 năm trước đây”.

Khi ông vừa ngừng ở đây và nhìn về người phụ nữ đang ngồi hàng ghế đầu của khán phòng, tiếng vỗ tay trỗi dậy, kéo dài. Rất nhiều người cũng đứng lên một lúc lâu để tỏ lòng ngưỡng mộ.

Yumio Sakurai là Giáo sư - Tiến sĩ danh dự Trường Đại học Tokyo, Nhật Bản. Ông sinh năm 1945 và coi đó như một vinh dự cho mình khi được sinh cùng năm với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông nói: “Khi tôi 15 tuổi, các nhà lãnh đạo anh hùng trong đó có bà Nguyễn Thị Bình và nhân dân miền Nam đứng ra tổ chức Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tổ chức này được đánh giá là một trong những tổ chức có trình độ cao nhất trong lịch sử thế giới”.

Năm 20 tuổi, ông đã bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử Việt Nam ở Trường Đại học Tokyo. Với ông, cái tên Việt Nam ngày càng trở nên thật gần gũi. Ông viết: “Khi đó, những sinh viên Nhật như tôi hàng ngày tham gia phong trào đấu tranh ủng hộ nhân dân Việt Nam. Việt Nam là biểu hiện sức sống tuổi thanh xuân của chúng tôi. Cho nên chúng tôi phải biết Việt Nam là gì? Tôi bắt đầu nghiên cứu Việt Nam từ năm 1965. Tôi luôn tự hỏi: Tại sao Việt Nam có thể thắng Mỹ được? Phải chăng đó là kết quả tình đoàn kết dân tộc, tính cộng đồng của người Việt?”.

Từ những băn khoăn này, ông bắt đầu những công trình nghiên cứu về lịch sử xã hội Việt Nam. Nổi tiếng nhất là công trình Bách Cốc được giới chuyên môn đánh giá là một dự án nghiên cứu nông thôn lớn nhất, dài nhất và tỉ mỉ nhất. Năm 2003, ông đã được Trường Đại học Quốc gia Hà Nội trao bằng Tiến sĩ khoa học danh dự.

“Ngay bây giờ tôi là một nhà Khu vực học Việt Nam, để hiểu Khu vực học là gì? Thì câu trả lời đầu tiên của tôi là: Khu vực học là sự thể hiện của lòng kính trọng khu vực”. Kết thúc diễn từ của mình bằng những lời kính trọng đất nước mà mình nghiên cứu, GS Yumio Sakurai thực sư là một hình ảnh lớn cho ta bài học về lòng nước.

Góc thông tin về Giải thưởng