GIẢI THƯỞNG VÌ SỰ NGHIỆP VĂN HÓA GIÁO DỤC - ÔNG BÀ LƯ NHẤT VŨ và LÊ GIANG

Nhắc đến nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, chúng ta nhớ đến các ca khúc cháy bỏng lòng người như Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Bài ca đất phương Nam… Với nhà thơ Lê Giang, chúng ta không thể không nhắc đến các tác phẩm như Phím đàn xanh, Bông vạn thọ, Sắc trắng, Ơi anh chàng hát rong, Tìm ngọc ở quê mình… Sự kết hợp thành đôi của Lê Giang - Lư Nhất Vũ không chỉ cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu trưng của tình yêu chung thủy. Đặc biệt, công chúng ghi nhận Ông Bà như một cặp đôi đã có nhiều công trình nghiên cứu về dân ca Nam bộ nhất.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sinh ngày 13 tháng 3 năm 1936, quê ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Nguyên Ủy viên Ban thư ký Hội nhạc sĩ VN khóa III, Phó tổng thư ký Hội Âm nhạc TP HCM (1981), Nguyên Phân viện trưởng Phân viện Âm nhạc tại TP HCM. Hiện ở TP HCM.

Tháng 6 năm 1962, Ông tốt nghiệp khoa sáng tác của trường Âm nhạc VN (nay là Nhạc viện Hà Nội), ông về nhận công tác ở Đoàn ca múa miền Nam. Năm 1967, công tác tại phòng chỉ đạo Văn công thuộc Vụ Âm nhạc và múa, theo dõi chỉ đạo hoạt động của Đoàn ca múa nhân dân Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên. Năm 1970, Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ trở về chiến trường miền Nam, công tác ở Tiểu ban Văn nghệ giải phóng, hoạt động ở chiến trường miền Tây Nam bộ. Sau năm 1975, ông công tác ở cơ quan Văn nghệ Giải phóng, rồi Viện Nghiên cứu Âm nhạc (sau này là Viện Văn hóa Nghệ thuật tại TP HCM) cho đến nay.

Ông đã đem đến lòng người rất nhiều những sáng tác thanh nhạc của mình như: Chiều trên bản Mèo (1961, hợp xướng), Hàng em mang tới chiến hào (1964), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Giải A của Hội Nhạc sĩ VN và Ban Thống nhất TƯ), Bên tượng đài Bác Hồ, Hãy yên lòng mẹ ơi, Tiếng cồng vượt thác, Hòn Khoai (nhạc cảnh). Đã xuất bản hai tuyển tập Tiếng đàn quê em (NXB Văn hóa, 1982) và Hãy yên lòng mẹ ơi (NXB Âm nhạc và Hội Nhạc sĩ VN, 1995).

Ông có một loạt những công trình nghiên cứu đồ sộ về dân ca các miền Nam bộ đã xuất bản (cùng viết với một số tác giả Lê Giang, Nguyễn Đồng Nai, Thạch An, Nguyễn Văn Hoa, Quách Vũ): Dân ca Bến Tre, Kiên Giang, Cửu Long, Sông Bé, Hậu Giang… Với các tác phẩm tiêu biểu như: Hãy yên lòng mẹ ơi, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Bên tượng đài Bác Hồ.

Nhắc đến Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ không thể không nhắc đến Nhà thơ Lê Giang - người không chỉ đồng hành với Ông trên đường đời mà còn hơn 30 năm đồng hành cùng Ông trên con đường hoạt động nghệ thuật, sưu tầm, nghiên cứu của mình.

Nhà thơ Lê Giang tên thật là Trần Thị Kim, sinh năm 1930 tại Cà Mau; Bút danh: Vũ Kim Sa, Lê Giang. Bà từng là y tá trong chiến tranh kháng Pháp, Mỹ tại hai miền Nam, Bắc. 

Các bài thơ nổi bật của Bà được đông đảo công chúng biết đến như Phím đàn xanh, Bông vạn thọ, Ơi anh chàng hát rong. Bên cạnh đó là tập văn: Gặp gì ăn nấy, xin mời (NXB Trẻ, 2000), Bút ký điền dã như Lang thang gió cát (NXB Trẻ, 2000); các tác phẩm sưu tầm biên soạn như Bộ hành với ca dao (NXB Trẻ 2004).

Đặc biệt, Nhà thơ Lê Giang còn đồng tác giả với Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ trong các công trình văn hóa đồ sộ như: 300 điệu lý Nam bộ, Tìm hiểu dân ca Nam bộ, 200 bài dân ca viết lời mới. 

Bà còn tham gia biên soạn chung với nhóm sưu tầm dân ca Nam bộ như Dân ca Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sông Bé…

Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh rất hân hạnh trao Giải thưởng Vì sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục đến Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và Nhà thơ Lê Giang vì những đóng góp xuất sắc của Ông Bà trong việc truyền bá Văn hóa dân gian Nam Bộ.