GIẢI THƯỞNG VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH HƯỚNG ĐẾN NGƯỜI TRẺ

Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh năm 2013 trao cho 6 cá nhân có những công trình nghiên cứu văn hóa đặc sắc.

Các cá nhân nhận giải văn hóa Phan Chu Trinh năm 2013 - Ảnh: Thuận Thắng 

Lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh lần 6 diễn ra tại TPHCM đêm 29-3 diễn ra trong bối cảnh được sự quan tâm của nhiều trí thức, học giả kỳ vọng tiếp nối tinh thần canh tân văn hóa, phục hưng giáo dục, tinh thần cách mạng của vị tiền bối Phan Châu Trinh cách đây gần một thế kỷ.

Giải “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục” năm nay được trao cho bà Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen và ông Vũ Đức Hiếu, 36 tuổi, giám đốc Bảo tàng không gian văn hóa Mường. Ông Chu Tiến Ánh và ông Phạm Duy Hiển (bút danh Phạm Nguyên Trường) được trao giải “Dịch thuật”. Giải “Nghiên cứu” được trao cho nhà sử học - GS Lê Thành Khôi và giải "Việt Nam học” được trao cho nhà Việt Nam học người Pháp, giáo sư Philippe Langlet. Giáo sư Lê Thành Khôi và Philippe Langlet sẽ nhận giải tại Pháp.

TS Bùi Trân Phượng nhắc lại hiện tình giáo dục Việt Nam và những người “trong cuộc” như bà đang đối mặt với các “thách thức hiện vô cùng khắc nghiệt, lại sẽ tiếp tục phát sinh thách thức mới”.

Bà Phượng bày tỏ: “Hoài bão của chúng tôi là đưa giáo dục sau phổ thông trở lại quỹ đạo bình thường của một nền giáo dục lành mạnh, hiểu theo nghĩa hòa vào dòng chảy của giáo dục thế giới, lấy chuẩn mực phổ quát để tự đánh giá mình và bám gốc rễ từ thực tại của đất nước, góp phần giải bài toán nhân lực đủ trình độ cần thiết cho phát triển kinh tế cũng như tham gia suy nghĩ, giải quyết việc chung với trách nhiệm công dân của người có học”.

Còn Vũ Đức Hiếu thì tiết lộ niềm yêu mến và trân trọng văn hóa Mường bắt nguồn từ tuổi thơ. Anh là người đầu tiên lập bảo tàng tư nhân về văn hóa Mường, tự mình tổ chức không gian văn hóa - dân tộc Mường trong khuôn khổ một bảo tàng với đầy đủ những kiến trúc cơ bản của dân cư Mường, vườn thuốc người Mường, phòng lưu giữ nông cụ, đồ dệt vải, dụng cụ săn bắt… và một thư viện với nhiều tài liệu nghiên cứu về dân tộc Mường và văn hóa Mường. 

“Khi còn nhỏ, ở bất cứ đâu tôi đều gặp những người phụ nữ Mường mặc trang phục truyền thống của họ, nhất là những ngày chủ nhật chợ phiên của cái thị xã nhỏ bé này, bà con ở các làng bản quanh đó tụ họp như đi hội, rất nhiều nông, lâm, thổ sản được mang ra để trao đổi mua bán. Thiên nhiên và vùng đất Hòa Bình đặc biệt ưu đãi người Mường. Họ sống và gắn bó với thiên nhiên và những gì thiên nhiên ban tặng như bao đời tổ tiên cha ông họ đã sống. Những làng bản yên lành nép mình bên những dòng suối nhỏ, trong những thung lũng mà bao quanh là rừng già với nhiều sản vật. Cuộc sống yên lành cứ thế trôi đi với một kho tàng văn hóa đặc trưng và phong phú mà họ sáng tạo ra trong một không gian như thế”, Vũ Đức Hiếu bày tỏ trong đêm trao giải.

Chính vì đồng cảm với văn hóa Mường như thế, nên Đức Hiếu thật sự lo ngại khi quá trình đô thị hóa gần đây đã đẩy “những nét độc đáo nhất của văn hóa Mường đang đứng trên bờ vực của sự suy thoái và biến mất”. 

Vũ Đức Hiếu cũng khiêm tốn nói: "Có lẽ giải thưởng cao quý này trao tặng cho Bảo tàng không gian văn hóa Mường thì đúng hơn. Đó là một công trình mà cá nhân tôi chỉ góp phần nhỏ bé công sức của mình vào đó”.

Nét mới của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh năm nay là công bố chủ trương hướng đến tầng lớp trẻ - những người "mang lại cho quỹ luồng sinh khí mới” như lời bà Nguyễn Thị Bình - nguyên phó chủ tịch nước, chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh. Việc trao giải cho Vũ Đức Hiếu (36 tuổi) cũng là một biểu hiện tinh thần trên. Ngoài ra, hội đồng khoa học của quỹ vừa có ba thành viên mới là PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, TS Vũ Thành Tự Anh - giám đốc chương trình Fulbright Đại học Kinh tế TPHCM, TS Nguyễn Đức Thành - giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách phát triển kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội.

Lam Điền

Nguồn bài dẫn: Tuoitre