DIỄN VĂN BẾ MẠC LỄ TRAO GIẢI VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH NĂM 2009
Nguyên Ngọc
BA GIẢI THƯỞNG MANG TÊN NHÀ KHAI SÁNG
Do những điều kiện nhất định, năm nay lễ trao các giải thưởng của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã được tổ chức vào ngày hôm nay, 27-3-2009. Bộ phận thường trực Hội đồng Khoa học của Quỹ có trao đổi và xin đề nghị kể từ sang năm, buổi lễ trang trọng và đầm ấm này của chúng ta sẽ được tổ chức sớm hôm đôi chút, đúng vào ngày 24-3 hằng năm, ngày giỗ Phan Châu Trinh.
Như chúng ta đều biết, không phải ngẫu nhiên mà tổ chức văn hóa này của chúng ta đã mang tên Phan Châu Trinh, nhà yêu nước lớn, hay nói như Huỳnh Thúc Kháng, "nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam". Chắc chắn Huỳnh Thúc Kháng đã suy nghĩ rất kỹ, rất sâu, khi có sự đánh giá thoạt nghe có thể hơi lạ như vậy về người đồng chí tâm huyết nhất của mình. Quả thật với một sự tinh anh và một tầm nhìn xa đáng kinh ngạc, vượt lên trước thời đại mình, ngay từ những ngày trằn trọc, sôi động và nóng bỏng đầu thế kỷ 20, Phan Châu Trinh đã đặt vấn đề vận mệnh của đất nước không chỉ trong phạm trù thiết yếu của độc lập dân tộc, mà xa hơn và căn bản hơn nữa, trong yêu cầu phát triển của dân tộc giữa một thế giới mà, sớm một cách khác thường, ông đã cảm nhận ra là đang biến đổi và sẽ biến đổi dữ dội, trong đó người ta chỉ có thể tồn tại nếu tự mình cũng biến đổi và phát triển được cùng với thế giới đó. Một sự tự biến đổi bên trong như vậy, đến những tầng sâu nhất của chính mình, thì chỉ có thể thực hiện được bằng văn hóa, đấy là một cuộc tự biến đổi về văn hóa. Về sau Hoàng Xuân Hãn, rất sáng suốt đã nói rất đúng về nhận thức sâu sắc này của Phan Châu Trinh trong trăn trở về con đường cứu nước. Phan Châu Trinh luôn nghĩ và nói về yêu cầu bức thiết tự rà soát lại nghiêm khăc nhất chính mình, tự hiểu chính mình thật cặn kẽ, và sự tự rà soát, tự tìm hiểu đó lại đồng thời phải được tiến hành trong đối chiếu với những giá trị văn hóa lớn của nhân loại, tiếp nhận chúng để làm giàu cho chính mình, và tham gia vào sự giàu có chung… Vâng, đầu thế kỷ trước chúng ta đã có một nhà khai sáng lớn như vậy, người đã chủ trương một cuộc khai hóa căn bản, lâu dài, cho đất nước, cho dân tộc, cho con người của chúng ta …
Những éo le khắc nghiệt của lịch sử đã khiến cho chương trình vĩ đại của Phan Châu Trinh phải dở dang. Lịch sử đã đi theo những con đường khác. Nhưng những nhiệm vụ dân tộc mà nhà chủ trương khai sáng một trăm năm trước từng thức nhận và thống thiết đặt ra thì vẫn còn nguyên đấy, thậm chí trong những điều kiện mới của thời đại dường như lại càng vừa sâu sắc, phức tạp hơn, vừa cấp bách hơn. Công cuộc khai hóa nhất thiết phải được tiếp tục. Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh vài năm trước, nay phát triển thành Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, chính là một cố gắng của những người tâm huyết hôm nay theo đường hướng anh minh của người xưa đó. Một cố gắng tha thiết, mong đóng góp được phần nào cho nhiệm vụ to lớn và lâu dài kia, cũng vừa mong là một kích thích cho những nổ lực lớn hơn, rộng hơn, toàn diện hơn, đồng bộ hơn, ngày càng hiệu quả hơn của toàn xã hội. Toàn xã hội, đúng vậy, vì sự nghiệp này ắt chỉ có toàn xã hội mới có thể đảm nhiệm.
Ba giải thưởng được trao hôm nay, cho ba dịch giả đã đem lại thêm cho tài sản trí tuệ của đất nước hai tác phẩm tinh hoa vừa là kinh điển của nhân loại lại vừa thực sự cập nhật ngay cho những yêu cầu bức bách của nền giáo dục nước nhà hôm nay; cho hai nhà nghiên cứu nước ngoài mỗi người từ một góc độ độc đáo có những khám phá thực sự về một số vấn đề quan trọng của lịch sử Việt Nam và những tìm tòi công phu giàu tính sáng tạo về một khâu có ý nghĩa tế bào trong cơ cấu xã hội Việt Nam; cho một học giả đã để hầu hết cả cuộc đời chăm chú vẻ lại diện mạo và giải mã có thể nói cho đến từng tấc non sông của chúng ta từ đất liền cho đến toàn bộ các hải đảo và thềm lục địa …, chính là thể hiện cụ thể, trên nhiều mặt khác nhau, tôn chỉ mà Quỹ chúng ta, nối gót cha ông, mong muốn đeo đuổi. Cũng như mọi giải thưởng, chính giá trị của các công trình và của các tác giả được trao giải đem lại giá trị và uy tín cho giải. Chúng tôi muốn được cám ơn các vị đã nhận giải hôm nay về điều đó, về vinh dự các vị đã đem lại cho giải thưởng này và cho Quỹ của chúng ta.Đây là lần đầu tiên chúng ta trao giải thưởng cho ba lĩnh vực Tinh hoa Giáo dục Quốc tế, lĩnh vực Việt Nam học, và lĩnh vực Nghiên cứu, chủ yếu là về khoa học xã hội. Giải thưởng còn rất khiêm tốn. Sự bao quát chắc chưa được toàn diện. Công việc tổ chức hẳn cũng còn chưa được chu đáo. Song chúng tôi cũng đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ tận tình của các tổ chức liên quan, sự tài trợ của nhiều tổ chức và nhiều nhà hảo tâm. Sự ủng hộ đó thật sự đã củng cố lòng tin của chúng tôi đối với công việc mình đang cố gắng bắt đầu. Chúng tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành. Và mong rằng, như đã nói, cố gắng của chúng tôi, của chúng ta, sẽ có thể khêu gợi ngày càng mạnh mẽ sự quan tâm của toàn xã hội, để cho sự nghiệp mà chúng ta tin chắc là hết sức cần thiết và cao quý này sẽ sớm trở thành sự nghiệp của toàn xã hội, như mọi cuộc khai hóa thật sự ắt phải diển ra như vậy.
Xin chân thành cám ơn tất cả các vị, và xin hẹn gặp lại năm sau, đúng vào ngày 24 tháng ba, cho những giải thưởng càng phong phú hơn.
Một số thông tin về Giải thưởng Văn Hóa Phan Châu Trinh năm 2009 như sau:
Một số thông tin về Giải thưởng Văn Hóa Phan Châu Trinh năm nay như sau: