DIỄN TỪ NHẬN GIẢI DỊCH THUẬT

CHU TIẾN ÁNH

 

Thưa quý vị và các bạn,

Được tin tôi có tên trong danh sách nhận Giải Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh, tôi vô cùng cảm kích và xin phép trước tiên bảy tỏ lòng biết ơn chân thành đối với Ban Chủ Nhiệm Quỹ đã lưu ý đến nỗ lực kiên trì của tôi.

Tiếp sau đây, tôi xin trình bày một số nét vắn tắt về dịch phẩm trong hơn 20 năm, qua 19 ấn phẩm đã công bố, 10 đang hoàn chỉnh để xin đưa vào kế hoạch xuất bản Chương trình Tầm nhìn UNESCO, các nguyên tác đều viết bằng tiếng Pháp, Anh, Nga.

Từ mấy thập niên trước, tôi đã cùng một số cộng tác viên, để soạn thảo các dịch phẩm lấy ý tưởng sau đây làm mục tiêu nhất quán: cung cấp những tài liệu nước ngoài có thể tham khảo để bổ sung các thông tin hữu ích vẫn thiếu vắng về các trào lưu học thuật đương đại, phải sớm tập trung vào các đề tài cấp thiết và khái quát. Từng bước, đã gom được nhiều nguyên tác có giá trị, chủ yếu là về các vấn đề triết học và tư duy chiến lược.

Đối với người ham học và sưu tập, được có dưới mắt nhiều tài liệu là điều mừng vui đầu tiên; song bước sau đó là phải hấp thụ được các tố chất, so sánh về nhiều mặt để đưa vào phục vụ các mục tiêu tổng hợp. Quả thật, số lượng nguyên tác, số lượng dữ liệu, diễn giải, ngày càng thêm nhiều, nhưng đem vào vận dụng ở nước ta e rằng không dễ phù hợp và kém phần hiệu quả, nên phải chắt lọc khá cẩn trọng.

Các quan điểm, chủ thuyết đã được nhất trí công nhận thường gắn với các đổi thay về kỹ thuật, công nghệ, động lực, đối ứng các thách đố về môi trường, về con người, đại thể là đã thoát thai từ các trào lưu phát triển rộng rãi và đáp ứng những nhu cầu thiết thân của những phong trào chính trị - xã hội lớn. Đó là hiện tượng rất phổ biến trước đây và cả bây giờ, nhưng trong thực trạng vận động của công nghệ hiện nay thì lại gặp nhiều cách tân mới mẻ với tần xuất hiệu lực không cao, song gây rất nhiều hệ quả tích cực cũng như tiêu cực đối với sinh hoạt vật chất, tinh thần của chúng ta. Quá trình “nhất thể hóa” và “ chuyên  biệt hóa” của các ngành tri thức đã đã thúc đẩy các cách tân đó. Lại nữa, dân số tăng vọt, đô thị hóa dồn dập cùng với công nghiệp hóa, môi trường ô nhiễm nặng, tài nguyên suy kiệt đòi hỏi những giải pháp khó khăn trong điều kiện thay đổi khí hậu Trái Đất ngày càng hù dọa, ….tất cả đều khiến phải đặt ra và giải quyết khôn khéo các vấn đề ngay từ “ hiên nay và tại chỗ”. Ai cũng vậy, kể các em học sinh thơ ấu, đều chịu ấn tượng ngày thêm đậm nét tính cách hỗn độn, phức tạp, đổi thay vùn vụt đến sửng sốt của đời sống tinh thần và vật chất. Thế hệ các em ắt phải gánh trọng trách để kiềm chế đà suy thoái này, và chúng tôi nghĩ đó là một trọng tâm công việc phục vụ giáo dục hôm nay. Thêm nữa, khoa học và công nghệ từng ngày đưa  lại nhiều định luật, thành tựu mới mẻ đến  bất ngờ, kể cả trong khoa học nhân văn, xã hội. Các em sẽ phải dùng các dạng năng lượng, động lực khác hẳn truyền thống để giảm hàm lượng đầu vào nhiều lần mà tăng công dụng, giá trị nhiều lần, vì nếu cứ lãng phí như hiện nay thì loài người lấy gì mà sinh tồn, cái thời điểm “ tận thế” (như đại hồng thủy, vv..) có thể rất khó tránh. Khoa học tự nhiên đã chớm nhận thức được điều đó, chẳng hạn các trí tuệ kiệt xuất tại Câu lạc bộ Roma. Nhưng nếu xem xét 100 năm lịch sử vừa qua thì thấy rõ khoa học xã hội sau khi thoát được cái bóng của tín niệm thần bí, đã tiến mạnh đến các liên ngành tổng hợp mà các chuyên ngành sẽ chẳng cống hiến được bao nhiêu, nhất là với tiếng nói phê phán dè dặt và thiếu dân chủ.

Các em cần được các thầy cô mở rộng nhắn gửi để thấy rõ cái đúng sai của những nhận định mới mẻ như: cái vỗ cánh của con bướm có thể gây ra biến động khí hậu cả một khu vực địa lý, cái làn sóng biển êm đềm có thể gợi mở cho thuyết fractal ( đứt gãy, cái vô hạn trong cái hữu hạn), cái bước ngoặt mạnh mẽ của tư tưởng khi xuất hiện con thiên nga đen sau thời gian dằng dặc từ cổ chí kim chỉ thấy nói đến thiên nga trắng, dẫn đến phép chứng sai (falsification) các hiện tượng khách quan. Các em có lẽ sẽ có cơ hội để đóng góp các sáng chế về công nghệ nano, vật hiện composite… y như đối với các thiết bị và linh kiện bán dẫn, tin học hiện nay và hơn thế nữa.

Suy ngẫm đến cùng, những cách tân trên đây đều ít hoặc nhiều, gián tiếp hoặc trực tiếp, bắt nguồn từ những tư tưởng cốt lõi của tư duy triết học. Giữa thời kỳ chúng ta ai cũng băn khoăn về giáo dục, chúng tôi định hướng vào các mảng tin “khoa học” (S) , “ Văn hóa” (C)  để tích lũy và lựa chọn các tin về  “ giáo dục” (E) như danh hiệu của UNESCO đã chỉ dẫn. Ở đây, lại nẩy sinh nhiều vấn đề mới: cái mới trong lúc manh nha thường gặp nhiều tranh biện có khi bất lợi, đó cũng là thường tình nhưng cũng có những éo le ! Chẳng hạn như  logic diễn dịch với những luật tất định của chúng vẫn bị phản bác ở rất nhiều giới, từ khoa học lý- hóa đến toán (Godel, Tarski) , nhưng vẫn được trao cho vai trò trọng yếu tại những trường hợp truyền thống cần “ tư duy thật đúng”, cũng như phải dành chỗ tương ứng cho loại đồng hồ và cả loại đám mây.

Nhưng tôi đã mạn phép nói rằng những cách tân khoa học đều có liên hệ hữu cơ với các nguyên lý cốt lõi của triết học, của các tư duy, các quan điểm khái quát…đương thời. Chúng tôi dành phần lớn công sức vào nội dung này, bao gồm phương pháp luận, tri thức học, hiện tượng học, logic học. Nội hàm này quá rộng, ở đây chỉ đưa ra một bộ sách dễ tiếp nhận vì dữ liệu rất hiện đại nhưng khối lượng khá đồ sộ. Cụ thể là bộ La Méthode của Edgar Morin gồm 6 tập, trong đó Tập 4 là tổ chức của tư tưởng, Tập 5 là tính nhân loạiTập 6 là Đạo đức học, soạn thảo trong 27 năm từ 1977 đến 2004, chuyên nói về tư duy phức hợp (tức là không từ chối đơn giản hóa và bất toàn), trong đó đề cập logic học cổ điển, đối hợp logic (dialogique), đệ quy (récursif) và toàn hình (hologrammique)

Vận dụng vào Chương trình Trung học, thuyết này được trình bày dưới các nội dung: Thế giới, Trái đất, Sự sống, Loài người, Lịch sử. Nó được lược thuật trong cuốn Nhập môn tư duy phức hợp (16), cũng như được ứng dụng trong một số doanh nghiệp ở Hoa Kỳ, một số học giả đã hoạt động trong một Hiệp hội Quốc tế về Tư duy Phức hợp (Association pour la Pensée Complexe - APC, Paris).

Sở dĩ triết học ngày càng góp phần thêm vào sự nghiệp phát triển các thành tựu khoa học như trên đây và nó sẽ trở thành một nhà trường của tự do để mọi người có thể hướng tới một bộ môn khoa học, tới toàn thể thế giới đang phát triển mà cũng đang chìm ngập trong rủi ro và hỗn độn. Liên Hợp Quốc ngay từ năm 1945 đã tổ chức Hội nghị Toàn cầu về Triết học đã ra văn bản Tuyên ngôn Paris, và cũng đã phổ biến Văn kiện 171 của Ban Chấp hành UNESCO và chiến lược thực hiện, chúng ta cần theo rõi sát để kịp thời vận dụng kinh nghiệm tốt ở nước ngoài.