DIỄN TỪ NHẬN GIẢI THƯỞNG NGHIÊN CỨU

TRẦN VĂN KHÊ

 

Kính thưa Bà Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh,

Kính thưa các cấp lãnh đạo, kính thưa quý vị quan khách, các bạn đồng nghiệp    và tất cả các bạn hiện diện hôm nay,

Tôi rất bất ngờ và cảm động khi biết mình nhận được một giải thưởng thật cao quý, và càng bất ngờ hơn là giải thưởng này mang tên người chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh – một vị tiền bối mà tôi từng ngưỡng mộ và có cảm tình từ thuở nhỏ, thông qua người thân trong gia đình là cô Ba tôi. Lúc 5 tuổi, tôi đã có dịp chứng kiến cô Ba vì tỏ lòng quý trọng người yêu nước thương dân mà tham dự lễ quốc táng chí sĩ Phan Châu Trinh tổ chức rộng rãi ở khắp ba kỳ năm 1926, đã bị chánh quyền nhà nước Pháp thuộc thời bấy giờ cho thôi việc trường Nữ trung học Áo Tím. Tôi vốn đã rất khâm phục người cô tài đức của mình, nay lại thấy cô tỏ lòng kính tưởng cụ mà dám đi theo tiếng gọi của chánh nghĩa, nhờ vậy tôi mới biết về cụ và đem lòng kính phục.  

Nhìn lại quá trình phụng sự âm nhạc truyền thống Việt, văn hóa Việt của mình trong suốt mấy chục năm qua, nhìn lại quan điểm nghiên cứu từ xưa đến nay, tôi cảm thấy mình từng có những suy nghĩ trước đây tương tợ cụ: học những cái tiến bộ của phương Tây để đem về nước áp dụng làm cho tiến bộ Việt Nam, làm cho đất nước có sự văn minh hơn trong lối sống, trong sinh hoạt… Khi tôi ở phương Tây du học, nhờ quá trình học hỏi phương pháp nghiên cứu ở xứ người mà có được cách làm việc khoa học, cái nhìn khách quan, toàn diện và đầy đủ hơn về thực chất âm nhạc truyền thống của Việt Nam nói riêng và các nước Châu Á nói chung. 

Đối với nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình – cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh, tôi rất có cảm tình. Lúc sang Pháp tôi có cơ hội gặp chị, và chúng tôi có dịp cộng tác với nhau  trong việc giới thiệu hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến, lập trường của Mặt trận giải phóng miền Nam đến với dân tộc Pháp… Giờ đây khi biết tin được đề cử và nhận giải Phan Châu Trinh mà chủ tịch quỹ này là nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình, tôi cảm thấy mình rất hân hạnh.

Sanh ra trong một gia đình 4 đời nhạc sĩ truyền thống, trong huyết quản của tôi đã có dòng chảy âm nhạc nuôi dưỡng từ nhỏ đến lớn. Tôi cũng có một may mắn nữa trong khi học nghiên cứu tại Pháp, đề tài nghiên cứu mà tôi chọn lựa và được Trường Đại học Sorbonne chấp thuận lại là “Âm nhạc truyền thống Việt Nam”. Nhưng công việc nghiên cứu lúc đó rất khó khăn vì hoàn cảnh chiến tranh, không trở về Việt Nam  để nghiên cứu trên thực địa được. Tuy nhiên cũng nhờ ở tại Pháp, tôi đã được các thầy chỉ đạo nghiên cứu hướng dẫn tôi cách trở về với cội nguồn âm nhạc truyền thống Việt Nam, qua những tài liệu sách sử, hình ảnh, dĩa hát về âm nhạc truyền thống Việt Nam mà những nhà nghiên cứu người Pháp đã tàng trữ tại các Bảo tàng viện Con Người, Bảo tàng viện Guimet, Bảo tàng viện Thuộc Địa. Tôi đã  tìm ra trong số tài liệu đồ sộ ấy những chi tiết liên quan đến âm nhạc Việt Nam, phục vụ cho việc soạn luận án Tiến sĩ và công việc nghiên cứu sau này của mình.

Thông thường, mỗi một người nghiên cứu trong cách làm việc và thái độ nghiên cứu của bản thân hầu như chỉ là thâu thập, giữ gìn các hiện vật, tìm tòi những câu trả lời cho những thắc mắc của mình, hoặc thỏa tính “tò mò”, chứ ít khi suy nghĩ đến sự mất còn của đối tượng mình tìm hiểu, nghiên cứu. Riêng tôi có quan điểm khác hẳn. Trong lúc nghiên cứu, khi tìm thấy những gì hay, đẹp, có giá trị đang có nguy cơ bị chìm vào trong quên lãng thì tôi ra sức cứu sống nó để những giá trị này đừng bị bụi thời gian vùi lấp mà có thể trực tiếp hòa mình vào cuộc sống. Đây là quan điểm của tôi về thái độ dấn thân trong nghiên cứu. Xét lại quá trình làm việc của mình, tôi đã từng cứu sống lại những bộ môn tưởng đã tàn rụi tợ cây khô thiếu nước như nghệ thuật Ca Trù, Chầu Văn, Nhạc Cung Đình Huế. Mục đích của tôi là làm sao đưa những bộ môn nghệ thuật này rộng rãi đến mọi người, không chỉ cho một thiểu số người trong giới nghiên cứu mà nhiều người cùng biết đến; không chỉ ghi âm, thâu hình đem vào bảo tàng lưu trữ mà thiết thực nhứt là đưa nó vào cuộc sống. Ca Trù bây giờ đang sống lại, Nhạc Cung Đình Huế, Chầu Văn đang nhận được nhiều sự quan tâm. Nhiều bộ môn khác nhờ những thành tựu đó mà được chánh quyền hay các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm và tìm được nguồn sinh lực mới, hơn nữa là âm nhạc truyền thống ngày càng được tôn trọng trong xã hội.

Trong suốt cuộc đời tìm tòi, giữ gìn phát huy và truyền đạt âm nhạc truyền thống Việt Nam của tôi, thành tựu, kết quả tốt có rất nhiều, mà suy tư, trăn trở cũng không ít. Một ước mong lớn nhứt là đưa âm nhạc vào học đường, để cho các em từ nhỏ tới lớn nhận biết được những vấn đề căn bản trong âm nhạc truyền thống, cần đào tạo cả một thế hệ trẻ khi lớn lên có được một ý thức về bản sắc dân tộc Việt Nam để khi đi ra thế giới trong thời buổi toàn cầu hóa, khi lằn ranh địa lý cũng như văn hóa không còn khép kín thì các em có thể tự hào về nền văn hóa Việt Nam, trả lời những câu hỏi của bạn bè quốc tế về âm nhạc truyền thống Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt nói chung một cách chính xác. Đây là một trăn trở nhiều nhứt mà tôi chưa thực hiện được vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố ngoài tầm tay của mình.

Hơn nữa, ngoài việc đem âm nhạc vào học đường, tôi cũng mong mỏi rằng âm nhạc truyền thống trở lại có một vị trí xứng đáng và được tôn trọng trong xã hội, đồng thời cũng mong rằng trong tương lai cách dạy âm nhạc trong nhà trường cũng sẽ được thay đổi, bộ môn nghiên cứu âm nhạc thực sự được quan tâm và xây dựng một cách có hệ thống hơn.

Cuối cùng, một lần nữa tôi chân thành cảm ơn Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh đã đề cử tôi vào giải thưởng này với tất cả sự trân trọng. Tôi không ngờ công việc thầm lặng mình làm suốt mấy chục năm nay, không phải vì danh vì lợi mà chỉ vì tình với lòng mong muốn giữ lại những gì tinh hoa, đẹp đẽ nhứt của âm nhạc truyền thống,  lại được các bạn quan tâm, tôn vinh. Đây là một niềm vinh hạnh đối với riêng bản thân tôi cũng như với âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tôi có cảm tưởng như người nghệ sĩ đờn mà gặp được người tri âm biết thưởng thức, thật sự rất hạnh phúc!

Trân trọng cảm ơn và chúc sức khỏe đến quý bạn.