DIỄN TỪ NHẬN GIẢI VIỆT NAM HỌC
ALAIN RUSCIO
Các bạn thân mến,
Để bắt đầu diễn từ cảm ơn này, tôi chỉ có thể trước hết kêu tên một người, tên anh Charles Fourniau. Nhờ anh mà tôi có được phần lớn những cuộc tranh đấu của đời mình, tôi sẽ không bao giờ quên nhờ anh mà mình có một định hướng cho cuộc đời nhà sử học đi vào nghiên cứu đất nước Việt Nam của các bạn, chính nhờ có anh mà tôi có mặt ở đây hôm nay.
Tôi như vẫn còn thấy rõ một ngày năm 1972, thế mà đã bốn chục năm rồi, bữa đó tại nhà anh, hai chúng tôi đang cùng trao đổi về một định hướng nghiệp vụ tương lai. Sau khi tôi nhận bằng cử nhân Lịch sử tại Đại học Sorbonne, khi đó tôi phải chọn một đề tài nghiên cứu sau đại học. Có nhiều đề tài khác nhau đặt ra cho tôi, và tôi thấy chẳng biết chọn đề tài nào:
Thật xấu hổ vì khi đó tôi đã phải nói với anh là tôi không tính đến đề tài ấy. Rồi tôi sẽ còn trở lại chuyện này, nhưng lúc đó Việt Nam là một chuyện dấn thân về chính trị, chứ chưa được tôi coi như là một đề tài Lịch sử. Charles Fourniau đã thuyết phục được tôi - và sự thật là chuyện thuyết phục khi đó cũng chẳng mấy khó khăn.
Bốn chục năm sau, được vinh danh tại Hà Nội, tại chính cái thành phố nơi Fourniau từng sống từ năm 1962 đến 1965, nơi tôi đã sống từ 1978 đến 1980, nơi chúng tôi đã cùng quay trở lại, được vinh danh ở đây bởi các bạn Việt Nam, điều đó làm tôi thực sự xúc động. Có điều là vinh dự này tôi muốn đem chia sẻ với linh hồn Charles Fourniau - chia sẻ với anh, con người theo chủ nghĩa duy vật, chẳng biết anh có thích tôi dùng từ “linh hồn” hay không?
Với riêng tôi, hai tiếng Việt Nam trước hết là một lời kêu gọi mang tinh thần quốc tế.
Với thế hệ tôi, thế hệ sinh ra sau Thế chiến thứ Hai, thế hệ khi đó còn quá trẻ để có thể tham gia vào những cuộc đấu tranh chống lại cuộc chiến tranh người Pháp tiến hành ở Đông Dương (1945-1954) và sau đó là cuộc chiến tranh của người Pháp ở Algérie (1954-1962), việc lên án cuộc chiến tranh của Mỹ là một cuộc dấn thân lần đầu của chúng tôi. Khi tham gia cuộc biểu tình đầu tiên tôi mười sáu tuổi thì phải. Và đó là cuộc biểu tình đòi tự do cho nước Việt Nam.
Ai chưa từng biết tới giai đoạn đó thật khó hình dung Việt Nam có vị trí thế nào trong lòng thế hệ chúng tôi. Cái miền đất này từ năm 1940 đã bị giày xéo vì biết bao gót giày ngoại bang: Nhật, Pháp, Mỹ, Nam Triều Tiên, Úc…
“Hãy nhìn kìa những kẻ dựng xây nên những đống hoang tàn”, Paul Eluard từng viết như thế về Tây Ban Nha. Ở Việt Nam, một bộ phận của “thế giới tự do” trong suốt ba mươi năm đã chỉ có một mục đích là dựng xây nên những đống hoang tàn.
“Chúng cứ phá cứ phá, chúng làm bao điều quái lạ, chúng chẳng thuộc về thế giới của ta.”
“Kinh tởm… Kinh tởm…” Cái nỗi kinh tởm đã được đạo diễn Coppola lên án hết mức trong phim Apocalypse Now (Nay là thời Tận thế), chẳng phải là cách bộc lộ sự ghê tởm chiến tranh nói chung một cách trừu tượng. Đó là cuộc chiến tranh mang trong lòng nó những ý đồ hung bạo muốn áp đặt cho một dân tộc những quy tắc sống xa lạ với dân tộc ấy.
Khi tôi mười tám tuổi, lúc cuộc xâm lăng này đang ở cao trào, tôi có viết vài bài thơ cháy bỏng. Đây là một bài:
“Sâu trong
rừng rậm Việt Nam
tôi có người bà con
lúc này đây đạn đang găm vào da thịt anh
một viên đạn Mỹ
và ở xa chốn đó hàng vạn dặm,
tôi rùng mình sởn gai ốc
máu anh bắn vọt vào mắt tôi
vào mắt tôi vào miệng tôi vào đôi tay tôi
Máu người bà con tôi màu đỏ
đỏ như Cách mạng
và cứt anh bắn vọt vào bọn Mỹ có màu đen
đen như cái chết
và cái chết không khi nào nhấn chìm được Cách mạng”.
Ở Việt Nam khi đó, cuộc chiến đấu trong trắng đến tuyệt đối: chủ nghĩa đế quóc Mỹ xâm lăng một dân tộc nhỏ bé chỉ muốn sống thanh bình. Điều đó thật giản dị nếu đem so với những vấn đề quốc tế khác hồi đó. “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là câu Bác Hồ thường hay nhắc đến. Câu nói đó nằm trên tất cả những tờ truyền đơn của chúng tôi. Dĩ nhiên, khi đó ở Pháp cũng có vài ba kẻ bênh vực đường lối chính trị của Mỹ, nhưng nói chung các phương tiện truyền thông đều lên án Washington. Ngày nào trên ti vi và trên báo in chúng tôi cũng nhận được tin tức về những cuộc tàn sát mới diễn ra. Những cuộc tàn sát như ở Mỹ Lai là chuyện thường ngày. Trên tờ Le Monde, Maurice Duverger đã chạy tít cho một bài xã luận của ông “Chủ nghĩa phát xít ở bên ngoài nước Pháp”. Những phóng sự của François Chalais, của Roger Pic củng cố lòng thù địch của chúng tôi đối với đường lối chính trị Hoa Kỳ. Nguyễn Văn Trỗi, nhà yêu nước trẻ tuổi với ánh mắt kiêu hãnh bị bắn chết bởi người Mỹ và bọn bù nhìn của họ trở thành người anh hùng của chúng tôi.
Chúng tôi tới các cuộc mít tinh nghe Madeleine Riffaud nói. Người phụ nữ mảnh mai này để tóc đen dài như chị em Việt Nam của bà. Bà tham gia kháng chiến chống phát xít Đức từ khi mười bảy tuổi, bị bọn quốc xã bắt, rồi lại là nạn nhân của một cuộc tiến công đê hèn trong thời kỳ chiến tranh Algérie, là nhà văn, nhà thơ, bà là một trong những niềm vinh quang của chúng tôi. Phần lớn cuộc đời chính trị và tình cảm của bà gắn liền với Việt Nam. Trong bom đạn Mỹ ném xuống miền Bắc Việt Nam, trong những vùng chiến khu Việt Cộng ở miền Nam Việt Nam, bà là một trong những chứng nhân hiếm hoi trực tiếp của cuộc nhân dân kháng chiến.
Chúng tôi có thể làm gì để biểu lộ tình đoàn kết ? Phản đối, biểu tình, thu thập chữ ký cho những lời kêu gọi, quyên góp tiền bạc, tất cả đều nhằm làm sao cho tên khổng lồ Hoa Kỳ bị cô lập về chính trị. Tôi cảm thấy phong trào cộng sản Pháp đã vững vàng đúng hướng cùng với những phong trào khác trong cuộc đấu tranh này. Chúng tôi là những người đấu tranh chủ động tích cực đầu tiên. Nhưng cũng còn có cả những người thuộc phe xã hội, những người công giáo, những người Pháp yêu chuộng hoà bình nữa. Tất cả, chúng tôi đã làm cho hàng ngàn người nghèo khó được đóng góp phần bé nhỏ (hoàn toàn không thể so sánh nổi với những đóng góp của những chiến sĩ và nhân dân Việt Nam) làm cho con quái vật phải thua.
Giờ đây chuyện lịch sự ở phương Tây là tự vấn về lý do chính đáng của những cuộc dấn thân của thế hệ chúng tôi.
Tôi lên tiếng, tôi tuyên ngôn, rằng tôi không tiếc nuối gì dù chỉ một bước chân đi biểu tình, không tiếc nuối dù chỉ một dòng chữ viết trên truyền đơn, không một lời nói ra trong cuộc tập hợp. Khi đó, chúng tôi ở vào phe chính nghĩa.
Chúng tôi phải phản đối cuộc xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Phản đối về chính trị. Phản đối về đạo lý. Phản đối về phương diện nhân đạo. Cần phải hành động. Hết sức đơn giản. Chiến thắng của họ, người Việt Nam đã tạo nên từ những gì họ cho rằng họ cần phải làm.
Vào một ngày mùa hè năm 1978, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp cho tôi biết rằng họ tính chuyện cử tôi làm phóng viên báo L’Humanité ở Việt Nam. Ngày hôm đó, tôi cảm thấy như trời sập xuống đầu mình.
Tôi đã ở lại đất nước các bạn cho tới mùa hè năm 1980. Hai năm đi đó đi đây khắp các xó xỉnh của đất nước này. Hàng ngàn cây số đi bằng máy bay, bằng trực thăng, bằng xe jeep, bằng tàu thuỷ, đi xe đạp, và đi bộ. Hoạt động đến ngộp thở, và vô vàn tin tức moi được từ thiên hạ.
Những năm tháng phong phú nhất của đời tôi.
Ngày 1 tháng 11 năm 1978, lòng tôi thắt lại khi được bay lần đầu trên bầu trời Hà Nội. Đặt chân lên mảnh đất Việt Nam hồi 11 giờ 45 phút, tôi có cảm giác đặt chân dĩ nhiên không phải là lên miền đất Thánh nhưng trong chừng mực nào đó thì đúng là lên miền đất Thánh, vì có điều gì đó thật là huyền bí trong mối quan hệ với đất nước này.
Những giây phút đầu tiên của tôi trên mảnh đất Việt Nam, những cây số đầu tiên của tôi trên các ngả đường, đều đúng hệt như tôi đã hình dung trước đó. Dù là những điều mình hình dung đã sớm trở thành những sơ đồ. Nào những chú bé con trên lưng những con trâu to đùng. Những người đàn bà gồng gánh. Rồi xe đạp, cả ngàn chiếc xe đạp, cả một đám ùn ùn xe đạp. Rồi những nông dân khom lưng làm ruộng. Lối vào Hà Nội qua cầu Doumer (cầu Long Biên) vá víu nhằng nhịt, đạp xe qua cây cầu dài hai cây số mà có muốn đi nhanh cũng không có chỗ vượt lên. Trong thành phố là những tầu điện cổ lỗ chật cứng người.
Nhưng về phương diện con người thì người Việt Nam khiến tôi yên lòng. Chàng phóng viên báo L’Huma vốn là con người được ưu tiên khi hành nghề, tôi thừa nhận điều đó mà không thấy chút gì hổ thẹn. Những mối quan hệ giữa người cộng sản Việt Nam và cộng sản Pháp có đã lâu đời và nồng hậu. Biết bao lần, trong cuộc họp nơi đèo heo hút gió tôi từng nghe nói đến anh Henri Martin, đến chị Raymonde Dien, đến cô Madeleine Riffaud: cái bộ ba “quỷ thuật” đó giúp mở toang mọi cánh cửa …
Tôi có trụ sở ở Hà Nội, nhưng chẳng mấy khi tôi ở đó tới hai tuần không đi địa phương, đi tỉnh gần hoặc tỉnh xa, lên tận biên giới Trung Hoa hoặc về đồng bằng sông Cửu Long, qua Campuchia, qua Lào … Tôi từng sống những phút giây vô cùng kỳ thú ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Lao Kai, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Vĩnh Long, Phnom Penh, Battambang, Siem Réap, Angkor, Vientiane.
Gần như là tôi muốn đi tới đâu thì đến và lúc nào thích thì đi (trừ đi lên Tây Nguyên ở tôi được cho biết là không bảo đảm an toàn lắm cho tôi). Tôi thường xuyên gặp gỡ không biết bao nhiêu người Việt Nam từ những bậc chức sắc cao nhất nước tới vô vàn cán bộ quân sự, dân sự ở cơ sở. Không biết là do thị hiếu riêng hay do gặp may mà tôi rất sớm làm quen được từ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người có tiếng cười giòn giã, có cách đón tiếp nồng nàn, tới tướng Giáp, cả một tượng đài huy hoàng trong con mắt tôi - rồi tôi sẽ còn trở lại chuyện này -, đến bà Nguyễn Thị Bình, mà trước đây tôi thường thấy hình ảnh bà quá ư nghiêm trọng trên màn hình nhỏ vào thời bà tiến hành thương thuyết tại Hội nghị Paris, và mặc dù vậy tôi vẫn thấy bà tươi tỉnh mặc dù khi đó có biết bao khó khăn.
Những tháng ngày tôi trải qua ở Việt Nam hẳn là những ngày đầy khó khăn trong cuộc sống vật chất của đất nước này. Chiến tranh vẫn chưa lùi xa bao nhiêu. Công cuộc thống nhất đặt ra nhiều vấn đề hơn là những vấn đề có thể giải quyết được dĩ nhiên là trong ngắn hạn. Thêm vào đó là cuộc hợp tác hoá duy ý chí dẫn tới sức sản xuất sa sút trong một số những sản phẩm để nuôi sống con người… Thêm nữa, sau năm 1975, Việt Nam thật là lẻ loi. Người Mỹ đã đi khỏi miền Nam Việt Nam, mang theo cả đống tiền trước đây như từ trên trời rơi xuống, và bằng cách áp đặt cuộc phong toả kinh tế, người Trung Hoa cũng nhanh chóng ngừng viện trợ, còn người Liên Xô cũng tính toán chuyện ra đi… Người Việt Nam mà tôi được sống chung trong hai năm đó đã bị đói. Đói hơn cả những gì trong cảnh đói mà tôi nhìn thấy được.
Đầu năm 1979, tôi thực sự ngập đầu trong công việc. Tôi lao từ vùng nóng này sang vùng lửa khác. Chỗ nào cũng đì đoàng, ở Campuchia và ở biên giới Việt-Trung. May sao, tôi chỉ ngủ nhiều ngang bằng giấc ngủ của người Việt Nam, nghĩa là mỗi đêm ngủ vài ba giờ thôi.
Ấy thế mà tôi vẫn tìm được thời gian để gặp tướng Võ Nguyên Giáp. Đã sắp tới dịp kỷ niệm lần thứ 25 chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi đã thành nhà báo rồi, tôi còn phải thành nhà sử học nữa.
Ngày 30 tháng 4 năm 1979 - lại ngày ấy! - đã thành một ngày đáng kể trong cuộc đời tôi. Khi biết mình sắp được gặp ông Giáp, tôi tự nhủ như anh hề trên sàn diễn rằng tôi sắp có cuộc gặp gỡ với Lịch sử viết hoa. Nhưng khi bước lên các bậc cầu thang nho nhỏ, rồi bỗng nhiên xuất hiện từ trên cao một con người hiền hậu, tươi cười, khi ấy tôi bỗng mất hết e sợ. Ông ôm lấy tôi. Rồi ông nói chuyện với tôi bằng một tiếng Pháp không chê vào đâu được. Một đôi lần, hình như thế, ông cầu viện đến anh phiên dịch trẻ có mặt ở đó cho có, để tìm một từ Pháp đắt hơn nhằm diễn tả một cách nói tiếng Việt được ông nhắc đi nhắc lại bốn năm bận.
Ông mình mình cậu cậu với tôi ngay lập tức, theo cách thân tình giữa những người cộng sản với nhau. “Chúng mình có tình cảm đặc biệt với Đảng Cộng sản Pháp, ông bảo tôi. Với những người cộng sản thuộc thế hệ con cái của Hồ Chí Minh chúng tôi, chủ nghĩa Marx đến với chúng tôi thông qua Đảng của các cậu. Mình đã đọc những bài văn đầu tiên do Marx viết trong các xuất bản phẩm của Nhà xuất bản Xã hội Quốc tế. Mình cũng đọc cả những tập “Thông tin chủ nghĩa Bon-sê-vich”. Tất cả các tài liệu đó đều bí mật vào Đông Dương nhờ những chiến sĩ thuộc Đảng Cộng sản Pháp”. Ông cũng nói với tôi - không nói sao cho được - về Henri Martin và Raymonde Dien.
Bữa đó, chúng tôi nói nhiều với nhau về Điện Biên Phủ, đó cũng là mục tiêu của tôi. Tôi đã đọc khá nhiều công trình về trận đánh này, nhưng tôi muốn nghe chuyện kể từ người thắng trận, định bụng viết một bài về chuyện đó. Trước khi kể chuyện, ông từ chối cái danh hiệu “người thắng trận” đó. Với tư cách người mác-xít chân chính, ông không thừa nhận rằng một cá nhân dù là đại tướng tổng tư lệnh lại có thể là người đánh thắng một trận chiến. Chính quần chúng mới làm nên Lịch sử, điều đó ai cũng rõ.
Theo kế hoạch, chúng tôi gặp nhau trong khoảng một giờ. Nhưng sau ba giờ đồng hồ chúng tôi mới chia tay nhau. Khi cuộc chia tay nồng hậu diễn ra, anh bạn phiên dịch của tôi mới bảo tôi: “Thấy chưa, ông ấy làm cho anh mê rồi đó!”
Điều gì đã khiến ông Giáp tin cậy tôi ngay khi gặp lần đầu như thế? Đó là vì tôi là đảng viên cộng sản Pháp, hẳn đi rồi. Nhưng cũng rất có thể đó là do tôi được đào tạo để thành nhà nghiên cứu Lịch sử Việt Nam. Như vậy chúng tôi có biết bao nhiêu điều chia sẻ cùng nhau.
Trong cả năm sau đó, tôi thường được gặp ông Giáp luôn. Ông nói từng đoạn ngắn với tôi về Lịch sử đất nước ông, nhưng cũng nói tới cả thời sự nữa.
Dần dần chín muồi trong tôi một đề án có vẻ như “điên rồ”: giả sử hai chúng tôi sắp xếp các cuộc trò chuyện đó lại cho có hệ thống, và giả sử mình đề nghị với ông Giáp cả hai sẽ ra chung một cuốn sách? Nhiều năm trôi qua. Và các bạn thấy đó, mãi tới năm ngoái thì đề án đó, một trong những điều kiêu hãnh của đời tôi, mới ra đời.
Đây là một câu chuyện nhỏ khác. Một bữa kia, tôi phải đi viết phóng sự rất xa Hà Nội. Vì một lý do gì đó bây giờ chẳng nhớ nữa, cậu phiên dịch lại không đi cùng tôi. Tôi đành đi cả một ngày đường với cậu lái xe trên chiếc xe Jeep Mỹ cũ kỹ ọp ẹp. Lái xe Việt Nam thời đó hầu hết là những anh đã lái trên đường mòn Hồ Chí Minh. Khỏi cần nói là anh lái xe của tôi coi thường các ổ gà ổ trâu vô số trên đường. Một nửa thời gian xe chúng tôi chạy bên vệ đường, như thế đỡ xóc hơn! Lưng mỏi nhừ, ngực đầy bụi, nhưng việc đi cứ phải đi thôi.
Trình độ tiếng Pháp của anh lái xe cũng từa tựa như trình độ tiếng Việt của tôi: chẳng biết gì. Sau khi hai bên làm quen với nhau thì chỉ còn sự im lặng (tương đối, vì còn tiếng ồn của động cơ!). Vô tình, tôi cất tiếng hát. Anh lái xe cũng đáp lại bằng những bài hát quen thuộc của Việt Nam. Thật thân tình. Hai bên vỗ lưng nhau thùm thụp, cười duyên với nhau. Rồi tôi hát sang các bài ca cách mạng. Thế rồi tôi hát Quốc tế ca. Anh lái xe ngạc nhiên: tôi hiểu rằng, với anh, là người học Quốc tế ca lối truyền khẩu khi sinh hoạt Đoàn, bài ca đó cũng được mọi người coi là bình thường như mọi bài quen thuộc khác. Tôi cố tìm cách cho anh hiểu rằng Quốc tế ca có nguồn gốc Pháp trước khi trở thành … Quốc tế ca.
Dẫu sao thì bản Quốc tế ca được hai anh chàng điên rồ vươn cổ hát lại cùng nhau, hoà lẫn tiếng Việt và tiếng Pháp, có thể vang lên tận ngọn cây rừng.
Tôi thấy mình hoàn toàn sung sướng.
Tôi chẳng thể nào thống kê toàn bộ những bài báo tôi viết thời đó. Có lẽ thế này là đủ : cho phép tôi nhắc lại đó là thời củng cố việc thống nhất Việt Nam, thời giải phóng Campuchia, thời phơi bầy các tội ác của Pol Pot (tôi là người đầu tiên và trong một thời kỳ dài là người Âu châu thâm nhập vào Campuchia hôm 25 tháng Giêng năm 1979), thời Trung Hoa xâm chiếm Việt Nam, sau đó là thời phục hồi vô cùng gian nan nền kinh tế.
Thế nhưng tôi phải trở lại nước Pháp. Đó là vào tháng 6 năm 1980.
Vài tháng sau công trình đầu tiên của tôi được công bố, cuốn Vivre au Viêt Nam (“Sống ở Việt Nam”). Đó là những suy tư về tình trạng xã hội Việt Nam non năm năm sau chiến thắng tháng 4 năm 1975 và công cuộc thống nhất đất nước. Đó là một thời gian khổ, vì đó là thời mà hầu như toàn bộ các thế lực chính trị, thời mà tuyệt đại đa số nhà báo, nhà trí thức, đều trở nên thù địch với Việt Nam. Cùng với các đồng chí cộng sản của mình, cùng với các bạn trong Hội Hữu nghị Pháp-Việt, khi đó vẫn do anh Charles Fourniau chỉ đạo, chúng tôi đã phải tiến hành những cuộc đấu tranh của phe thiểu số, không phải tại vì chúng tôi cho rằng người Việt Nam lúc nào và ở đâu cũng đúng, mà đơn giản chỉ vì chúng tôi nghĩ rằng họ là nạn nhân của một bản án xấu xa.
Kể từ cuộc tá túc đầu tiên đó ở Việt Nam, tôi nghĩ là mình có thể nói rằng không khi nào quá hạn hai năm mà tôi lại không quay về nơi đây để nhìn nước Việt Nam thương yêu, nơi đã thành tổ quốc thứ hai của mình. Tôi đã chẳng khi nào tính xem đã trải qua bao nhiêu chuyến bay Paris-Hà Nội, nhưng tôi cho rằng chuyến đi này của tôi là chuyến thứ ba mươi…
Vậy là khi trở về Pháp, tôi cũng từ bỏ - từ bỏ hẳn - cái nghề nhà báo để trở lại với niềm đam mê thực thụ của mình, công việc viết Sử.
Trước khi sang Việt Nam, tôi đã nộp đề tài bậc Tiến sĩ Quốc gia tại Đại học Sorbonne: Les communistes français et la guerre d’Indochine, 1945-1954 (“Những người cộng sản Pháp và cuộc chiến tranh Đông Dương 1945-1954”). Tôi trở về với công việc sau những ngày tháng ở Việt Nam, rồi tôi bảo về luận văn vào tháng sáu năm 1984.
Tôi không có ý định chối bỏ những cuộc dấn thân của mình. Và thế là nhiều câu hỏi lớn ùa tới. Liệu một người cộng sản có thể viết ra điều gì đó đáng tin cậy về lịch sử của chủ nghĩa công sản? Liệu một chiến sĩ đấu tranh có thể là một nhà viết sử khách quan, gọn lỏn chỉ là một nhà sử học? Và tôi đã lý giải chuyện đó.
Chẳng có một Lịch sử nào lại chất chứa đam mê như lịch sử chủ nghĩa cộng sản. Đam mê đến nỗi có những người không ngại ngần khẳng định đó chính là kiểu thức, gần như là khuôn mẫu, của cái Lịch sử không thể xảy ra nổi.
Tôi có chút kiêu hãnh thấy mình thuộc về thế hệ đã tìm cách, trái ngược với Sartre, làm cho chủ nghĩa cộng sản trở thành một đối tượng của lịch sử như các đối tượng khác, nói ra chuyện đó có phần như là sáo mòn. Coi đó là đối tượng nghiên cứu thì cũng là chuyện bình thường thôi. Chuyện chen ngang với vô vàn xu thế, phản xu thế và mâu thuẫn. Với những vùng sáng và vùng tối đó mà mỗi lần đụng chạm tới lại phải nhấn đi nhấn lại. Xuất phát từ nguyên tắc cơ bản của “sự trung thực trí thức vô cùng khó khăn”, để chuyển giao tới bạn đọc trọn vẹn toàn bộ những yếu tố của đống hồ sơ vẫn đang còn cần được làm sáng tỏ, không coi một sự kiện nào đó kém vinh quang lại phải giấu kín trong hộc tủ gia đình, không hy vọng - hoặc e ngại - điều này điều nọ lại làm lợi cho trào lưu chính trị nào đó. Lúc nào cũng hết sức tìm cách đạt tới cái khoảng gián cách cần thiết đối với đối tượng được nghiên cứu, cho dù đó là điều vô cùng thiết tha với mình.
Không nghi ngờ gì hết, chuyện can thiệp chính trị trong Lịch sử đương đại cứ gọi là đầy rẫy. Rõ ràng là ai đó từng thao túng chuyện đó hẳn biết rõ điều đó. Điều cơ bản là, một khi ta thừa nhận mối dây liên hệ đó, thì điều đó không có nghĩa là phải đem Lịch sử ghép vào cái đuôi chính trị bất kỳ. Ngược lại, cần phải thừa nhận mối dây liên hệ đó để có thể phân biệt rành rọt đâu là những chỗ dễ bị mắc bẫy. Để làm được như vậy, một phương cách nói ra thì dễ mà làm được thì khó vô cùng, đó là giữ nguyên các tiêu chuẩn phân tích Lịch sử đương đại như các tiêu chuẩn phân tích mọi cách viết Sử khác. Nhà sử học không có nhiệm vụ phải thay đổi công trình nghiên cứu của mình thành một phiên toà. Ông ta chẳng có gì phải kết tội, cũng chẳng có gì phải tha tội. Lại càng không cần biện minh. Hãy hỏi chuyên gia viết về cuộc Chiến tranh Trăm năm xem ông ta ủng hộ hay chống lại Jeanne d’Arc? Hoàn toàn giống như nhà sử học thời rất xa xưa, ngay trong lòng một bối cảnh lắm khi hỗn độn, nhà sử học thời đương đại cần tìm cách nhìn cho rõ những logic của những ứng xử khác nhau, để hiểu xem vì sao và bằng cách nào mà những logic đó lại đụng chạm nhau và bổ sung cho nhau … để mang lại sức mạnh thúc đẩy cái toàn cục đang biến chuyển.
Về phần mình, tôi xin khẳng định là tôi không viết một chương sách nào mà lại không mang các quan niệm của tôi vào lúc đặt bút viết, rằng không một đoạn văn nào lại được viết ra chỉ nhằm làm vui lòng một loại bạn đọc nào đó so với một loại bạn đọc khác, rằng không một dòng nào đã được viết ra nhằm minh hoạ cho một đường lối chính trị nào đó. Gì thì gì, chuyện ấy là như thế, chẳng có gì đáng nói thêm.
Liệu bây giờ có cần nói mấy lời đao to búa lớn để kết luận không? Không.
Các bạn đã vinh danh tôi bằng Giải thưởng Phan Châu Trinh cao quý. Xin hãy tin rằng tôi nhạy cảm với chuyện này, vì tôi hiểu rõ người chiến sĩ không mệt mỏi ấy có giá tới đâu với đất nước các bạn, với cuộc đấu tranh chống thực dân của các bạn, biết rõ đó là một gương mặt có giá. Tôi càng thấy mình nhạy cảm hơn khi biết tới những mối dây quan hệ gia tộc giữa chị bạn Nguyễn Thi Bình của mình với nhà ái quốc vĩ đại ấy. Nhưng với tôi, Phan Châu Trinh sẽ mãi mãi là người đã cùng với Phan Bội Châu phác hoạ con đường để một chàng trai trẻ có tên Nguyễn Ái Quốc rồi sẽ đi theo, sẽ mở rộng thênh thang thêm và dẫn tới đích, công cuộc giải phóng đất nước.
Ngày nay ở Pháp tên tuổi Hồ Chí Minh ít được biết tới hơn so với hai mươi hoặc bốn mươi năm trước. Công việc tuyên truyền của giới tư sản muốn trả thù những điều cay đắng ngày xưa đã góp phần rất nhiều vào chuyện này. Tuy nhiên, chúng tôi vài ba người ít ỏi vẫn còn nắm giữ ngọn lửa. Và chúng tôi xin hứa sẽ giữ ngọn lửa đó tới cùng.
Phần mình, tôi vẫn muốn làm cho người Pháp hiểu rõ hơn về tư tưởng Bác Hồ. Năm 1990, nhân dịp một trăm năm ngày sinh của Bác, tôi đã công bố một tuyển tập bài viết trong đó có những bài chưa từng xuất bản. Rồi vào năm 1999, tôi viết lời tựa và công bố Bản án chủ nghĩa thực dân Pháp (“Procès de la colonisation française”), cuốn sách chưa từng tái bản kể từ khi công bố lần đầu vào năm 1925.
Đó là một việc làm tất yếu tôi phải làm. Tôi xin nói thêm làm việc đó là một khoảnh khắc tươi vui của mình.
Gương mặt đẹp của Hồ Chí Minh đã soi sáng trái tim tuổi hai mươi của chúng tôi. Với riêng tôi, gương mặt đó vẫn đang còn làm cho trái tim mình được soi sáng. Tấm chân dung Người vẫn luôn ngự trị trong phòng làm việc của tôi.
Nhà thơ lớn người Algérie Kateb Yacine từng viết hồi Bác Hồ qua đời: “Trong tất cả những chiến sĩ đấu tranh của phong trào cộng sản, với tôi đó là con người vĩ đại hơn cả, vì Bác Hồ biết sống giản dị, và người đã chết trong tư thế giản dị như khi đang còn sống: một nhà thơ chiến sĩ, không mảy may ích kỷ hoặc vênh vang dân tộc chủ nghĩa. Bác là người kế tục trực tiếp của Lénine, và nếu thiếu vắng một con người như Bác, các nước thuộc địa sẽ chẳng bao giờ tìm thấy sức mạnh để vùng lên. Không, Bác không thể chết. Sự nghiệp của Bác làm chúng tôi rực lửa và Bác còn sống mãi, Bác sống trong chúng tôi và bởi chúng tôi, Bác là người đồng chí và là bậc tổ tiên có đôi mắt bừng sáng soi lên những hành tinh đỏ nơi những tên đế quốc rồi sẽ không đi đâu cho thoát khỏi chúng ta”.
Chúng ta tiếp tục cuộc đấu tranh ấy.
Các dân tộc Việt Pháp sống mãi, tình hữu nghị Việt Pháp sống mãi, chủ nghĩa quốc tế sống mãi!
P.T. dịch
Một số thông tin về Giải thưởng Văn Hóa Phan Châu Trinh năm 2012 như sau:
Một số thông tin về Giải thưởng Văn Hóa Phan Châu Trinh năm nay như sau: