DIỄN TỪ NHẬN GIẢI TINH HOA GIÁO DỤC QUỐC TẾ NĂM 2009

Phạm Anh Tuấn

Kính thưa bà Nguyễn Thị Bình,                                         

Nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam,                          

Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh,

Thưa Quý vị,

Trước hết, cho phép tôi được chúc mừng dịch giả Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương, hôm nay tôi thật vinh hạnh được cùng cô Sâm và anh Dương đồng nhận giải thưởng Tinh hoa Giáo dục Quốc tế. Cảm ơn Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và khoa Quốc tế – Đại học Quốc gia, Hà Nội, đã trao cho tôi vinh dự này. Cảm ơn Nhà xuất bản Tri thức, đặc biệt biên tập viên Nguyễn Phương Loan về quãng thời gian hợp tác thú vị. Cảm ơn Tiến sĩ Tâm lý học Hồ Ngọc Đại, công trình thực nghiệm của ông là nguồn cảm hứng giúp tôi hiểu John Dewey và hoàn thành bản dịch một cuốn sách tưởng như khô khan này.

Thưa Quý vị,                                       

Giáo dục rút cục là sự phát triển của trẻ em, điều hiển nhiên này được nói tới quá nhiều. Nhà trường cổ truyền coi phát triển là mục đích cuối cùng, là điều phải đạt tới dựa trên chuẩn mực của người lớn. Trong lúc chờ đợi, trẻ em là ứng cử viên người lớn. Chúng bị xếp vào danh sách chờ. Chúng hi sinh hiện tại để đổi lấy một tương lai do người lớn hứa hẹn.

John Dewey đã làm một cuộc cải cách giáo dục. Ông không sửa đổi, ông thay đổi triết lý giáo dục của nhà trường cổ truyền:

Giáo dục không phải là chuẩn bị cho cuộc sống.

Giáo dục là bản thân cuộc sống.

“Tăng trưởng không phải là cái được làm sẵn cho trẻ em; nó là cái do trẻ em làm ra”

(Dân chủ và giáo dục, trang 58).

Năm 1896, để thực nghiệm triết lý giáo dục của mình, Dewey thành lập Trường Dewey dưới sự bảo trợ của Đại học Chicago. Năm 1903, Đại học Chicago sáp nhập Trường Dewey với trường của Francis Parker. Dewey từ chức, chấm dứt công trình thực nghiệm. Ông bắt đầu tập trung vào viết sách và hoạt động xã hội. Một số cuốn sách quan trọng về giáo dục đều được viết từ sau bước ngoặt này, trong đó có Dân chủ và giáo dục, được xuất bản năm 1916.

Sự phá sản của Trường Dewey là một nguyên nhân khiến tư tưởng của ông kể từ sau đó liên tục bị hiểu sai, thậm chí xuyên tạc. Chẳng hạn, người ta tưởng rằng đề cao trẻ em nghĩa là hạ bệ người thầy, đề cao hoạt động năng động tức phủ nhận sách giáo khoa! Ngay cả Nicholas Murray Butler, hiệu trưởng Đại học Chicago thời đó, cũng tuyên bố triết lý của Tân giáo dục do Dewey khởi xướng đã góp phần tạo ra những học sinh vô kỷ luật.

Năm 1938, John Dewey, người đàn ông có giọng nói nhỏ nhẹ và không biết hùng biện, đã lên tiếng tại một buổi nói chuyện kéo dài nhiều giờ tại New Jersey, và sau đó bài nói chuyện đã được in thành sách dưới tên gọi Kinh nghiệm và giáo dục. Ông không buộc tội một ai, ông chỉ ra rằng thực thi triết lý của tân – giáo dục là điều thực ra vô cùng khó,  nó đòi hỏi sự thay đổi không chỉ sau cánh cửa lớp học mà còn trong toàn bộ môi trường nhà trường, và đào tạo giáo viên. Vì thế khi không thể thực hiện triệt để triết lý này, người ta bèn đầu hàng hoặc giản lược hóa nó đi. Nghĩa là người ta tập trung vào những cải tiến lặt vặt – những thay đổi “cải lương”. Còn gì dễ dàng cho bằng người thầy chỉ cần ra lệnh còn học trò ngoan ngoãn tuân theo!

Thưa Quý vị,

Kiệt tác Emile hay là về giáo dục của Jean Jacques Rousseau và Dân chủ và giáo dục của John Dewey mà hai bản dịch tiếng Việt vinh dự đồng nhận giải thưởng Tinh hoa Giáo dục Quốc tế là tinh hoa của nhân loại, tinh hoa của những thời đã qua. Cuộc sống chỉ có một điều duy nhất vĩnh viễn không thay đổi: đó chính là sự thay đổi. Mỗi thời đại đòi hỏi phải có một cách làm mới. Hôm nay chúng ta cùng nhau vui mừng được thấy hạt mầm tư tưởng của hai nhà giáo dục vĩ đại thông qua hoạt động của Quỹ Phan Châu Trinh được gieo trên mảnh đất giáo dục Việt Nam. Công việc nhỏ bé của tôi với tư cách một người dịch, đã dừng tại đây.

Ai là người có trách nhiệm giang tay đón những những hạt mầm đó để ươm trồng, để một ngày kia chúng đơm hoa kết trái?

Xin cảm ơn sự chú ý của quý vị!

Xin cảm ơn tất cả!

Góc thông tin về Giải thưởng