Giáo Sư PETER ZINOMAN

DIỄN TỪ NHẬN GIẢI

VIỆT NAM HỌC

Thưa các quý vị,

 

Được nhận giải thưởng Việt Nam Học năm 2016 của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh là niềm vinh hạnh lớn đối với tôi. Cảm ơn các vị đã đề cử; cảm ơn các vị trong ban xét và trao giải thưởng; cảm ơn các vị đến dự lễ trao giải hôm nay.

 

Nhân dịp này, tôi xin chia sẻ đôi lời về bản thân và một vài suy nghĩ của mình.

 

Để có được đóng góp thực sự trong một lĩnh vực đòi hỏi nhiều công sức như ngành Việt Nam Học không bao giờ có thể là công việc của chỉ một cá nhân. Các học giả và nghiên cứu của họ là sản phẩm của nhiều năm tương tác với các thầy cô, đồng nghiệp, học trò, và với những người thân trong gia đình có quan tâm đến công việc của họ. Mạng lưới dày đặc các mối quan hệ đôi khi chồng chéo nhau này chính là yếu tố đã khiến Việt Nam Học trở thành một “ngành,” với lịch sử và văn hóa riêng của mình.

 

Bản thân tôi có may mắn được học với nhiều thầy cô giáo tài giỏi, truyền cảm hứng cho học trò ở Đại học Tufts ở Boston, Trường Đông Phương Học và Châu Phi Học ở London, và Đại học Cornell ở Ithaca, tiểu bang New York. Các nghiên cứu cũng như căn cước học thuật của tôi cũng được định hình bởi các đồng nghiệp trong giới hàn lâm – thời đầu là các nhà nghiên cứu Đông Nam Á Học ở Đại học Cornell, và sau này là một nhóm lớn gồm nhiều học giả về Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới, những người tôi đã hân hạnh được kết bạn trong quá trình làm nghiên cứu thực địa và làm việc chung cho tờ Tạp chí Việt Học. Một nhóm đồng nghiệp quan trọng khác là các học giả người Việt sống và làm việc tại Việt Nam. Tôi may mắn thiết lập được quan hệ thân thiết với các sử gia như Phan Huy Lê và Phạm Quang Minh khi nghiên cứu về lịch sử nhà tù thuộc địa ở Việt Nam, rồi với các cố học giả Hoàng Ngọc Hiến và Văn Tâm, cũng như với các nhà nghiên cứu phê bình văn học như Trần Hữu Tá, Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân và Phạm Xuân Nguyên trong quá trình nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng.

 

Kể từ khi bắt đầu giảng dạy ở Đại học Berkeley vào năm 1995, tôi may mắn có được một đội ngũ nghiên cứu sinh lớn và đa dạng, từ nhiều ngành khác nhau, và họ tạo thành cộng đồng trí thức thân thiết nhất với tôi. Nhiều sinh viên giờ là “cựu-sinh viên” và trở thành đồng nghiệp của tôi. Cuối cùng, cộng tác viên gần gũi nhất của tôi là vợ tôi, Nguyễn Nguyệt Cầm, một nhà nghiên cứu văn chương và một dịch giả tài năng. Tôi không thể kể hết được những đóng góp của cô ấy cho các nghiên cứu của mình.

 

Tôi thật may mắn vì đã gia nhập ngành Việt Nam Học vào giữa thập niên 1980, thời điểm ngành này vừa thức dậy, và bước vào giai đoạn bền vững đầu tiên của một thời kỳ phát triển bình thường kể từ Thế chiến thứ Hai. Tôi thuộc thế hệ đầu tiên được theo đuổi nghiên cứu về Việt Nam mà không phải chịu áp lực nặng nề từ các cuộc nội chiến, cách mạng xã hội và xung đột quốc tế. Tất nhiên là chúng tôi cũng phải chịu các áp lực khác, nhưng nói chung, mọi việc dễ hơn nhiều so với các học giả trước đây khi theo đuổi viễn kiến trí thức của cá nhân họ. Đặc điểm này, theo tôi, là điều kiện tiên quyết quan trọng nhất cho sự phát triển và khuếch trương của ngành Việt Nam Học. Vì vậy, ngoài việc thực hiện nghiên cứu của riêng mình, tất cả các học giả về Việt Nam, cả trong và ngoài nước, đều có phận sự củng cố những tiến bộ của thế hệ trước bằng cách bảo đảm để tinh thần tự do, cởi mở và đa dạng sẽ tiếp tục được phát huy trong ngành.

 

Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã dành cho tôi vinh dự được nhận giải này.