DIỄN VĂN KHAI MẠC
GIẢI VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH 2016
Giáo sư Chu Hảo
(Phó Chủ tịch Hội Đồng Quản Lý
 Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh)


     Thưa quý vị và các bạn

     Năm nay chúng ta cử hành Lễ trao Giải Văn hóa Phan Châu Trinh đúng vào dịp kỷ niêm lần thứ 90 ngày mất của nhà cách mạng văn hóa và giáo dục Phan Tây Hồ: ngày 24 tháng 3 năm 1926. 90 năm đã trôi qua với bao thăng trầm lịch sử nhưng những trăn trở và ước vọng phát triển đất nước theo con đường học hỏi để tự cường của Phan Châu Trinh vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

     Ngày 4 tháng 4 năm 1926 đám tang của Phan ChâuTrinh đã được cử hành trọng thể. Khoảng  gần 100 ngàn người Sài gòn  ( lúc ấy có dân số khoảng 300 ngàn ) và các đoàn đại biểu của các địa phương trong toàn quốc, không phân biệt  giai tầng xã hôi, nghề nghiệp và tôn giáo, đã  đi viếng cụ Phan trong một cuộc biểu tình tuần hành tôn nghiêm và trầm lặng trải dài trên các đường phố, không phải chỉ tỏ lòng thương tiếc một nhân cách lớn, mà quan trọng hơn là biểu hiện ý chí quật khởi của một dân tộc. Bởi như học giả Phạm Quỳnh lúc ấy đã nói : " Nước Nam đã mất đi một chí sỹ là cụ Phan Châu Trinh. Từ nay tên cụ sẽ ghi vào sử sách, làm tiêu biểu cho một thời kỳ đau đớn trong lịch sử  nước nhà. Thời kỳ ấy là thời kỳ mà lòng ái quốc bị coi là một tội vạ, người nào nhiệt thành yêu nước là người ấy khốn khó đến thân ".

     Có thể coi đám tang này là môt Hội nghị Diên Hồng rộng lớn : toàn dân đồng lòng nhất trí đi theo  tiếng gọi thống thiết của cụ Phan Châu Trinh " Chi bằng học " để " Khai Dân trí, Chấn Dân khí, Hậu Dân sinh". Vào những ngày Quốc tang của lòng Dân ấy, tại thành phố Nam Định ở đồng bằng Bắc bộ  xa xôi xuất hiện biểu ngữ: " Truy điệu Tây Hồ nhật. Hoán cải quốc dân hồn ". Hoán cải quốc dân hồn! Đáng lẽ từ ngày đó thế giới tinh thần của người Việt đã phải được canh tân để theo kịp thế giới hiện đại. Nhưng lịch sử nước nhà đã rẽ theo một lối khác : sau bao nhiêu hy sinh gian khổ, đất nước đã có Độc lập, giang sơn đã thống nhất, nhưng những nan đề phát triển mà Phan tiên sinh đã sáng suốt vạch ra từ một trăm năm trước vẫn còn nguyên đó, đôi điều  còn có vẻ như trầm trọng hơn. Đúng như nhận xét chí lý của  Nhà sử học nổi tiếng người Pháp Daniel Hemery,  rằng : " Khuôn mặt vĩ đại của Phan Châu Trinh theo tôi là khuôn mặt đáng chú ý nhất trong lịch sử văn hoá và chính trị Việt Nam ở thế kỷ 20, bởi chính ông đã xác định một cách rành mạch, sáng rõ nhất những nan đề đặt ra lâu dài mà các thế hệ người Việt Nam sẽ phải và mãi mãi còn phải đảm nhận ".
     Vâng, thưa quý vị và các bạn, các thế hệ người Viêt, trong đó có chúng ta -  những người tham gia buổi họp mặt này, mãi mãi còn phải đảm nhận trách nhiệm góp phần giải quyết những nan đề lâu dài mà Phan Châu Trinh đã đặt ra. Và bằng những công việc cụ thể như việc chúng ta đang làm hôm nay.

     Hôm nay, như thường lệ, chúng ta vui mừng chào đón những tân khoa đáng kính của Giải Văn hóa Phan Châu trinh năm 2016 với đầy đủ cả bốn hạng mục: Dịch thuật ( 1 giải ); Nghiên cứu ( 1 giải ); Việt Nam học ( 1 giải ); và Vì sự nghiệp Văn hóa – Giáo dục ( 2 giải ). Lại thêm một lần Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh vinh hạnh được trao giải cho những người đã có những cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực Văn hóa và Giáo dục, vì chính họ đã góp phần tạo nên giá trị học thuật và uy tín xã hội của Giải. Năm nay Quỹ chúng tôi cũng tiếp tục tôn vinh những Tinh hoa Văn hóa Việt nam thời hiện đại ( giai đoạn giữa TK19 đến giữa TK20 ), lần này là một nhân vật khá đặc biệt như quý vị và các bạn sẽ được biết ở phần tiếp theo.
     Chúc quý vị và các bạn Sức khỏe và Hạnh phúc!

     Xin trân trọng cám ơn!