GIẢI THƯỞNG VIỆT NAM HỌC

GS KEVIN BOWEN, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM WILLIAM JOINER

       William Joiner là tên của một người lính Mỹ gốc Phi làm nhiệm vụ hàng ngày chuyển các thùng chất độc da cam ra máy bay tại căn cứ ở Guam để chở sang rải ở Việt Nam. Không trực tiếp tham chiến ở Việt Nam nhưng W. Joiner đã bị nhiễm chất độc da cam và sau đó trở thành người phản chiến quyết liệt, và đã mất vì chính hậu quả chất độc da cam.Trung tâm tranh đấu cho công cuộc chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và cho sự hiểu biết và hòa giải lâu dài giữa hai dân tộc, chủ yếu thông qua các hoạt động văn hóa và văn học nghệ thuật thành lập tại đại học Massachusset lấy tên ông như một biêu tượng đầy xúc động.

Từ năm 1985 Kevin Bowen, cũng trở về từ chiến tranh Việt Nam và là một nhà thơ nổi tiếng, một nhà hoạt động xã hội năng động, một nhân vật chống chiến tranh tích cực, đã trở thành người lãnh đạo chính của trung tâm này, được gọi chính thức là Trung Tâm William Joiner Nghiên cứu Chiến tranh và Hậu quả Chiến tranh.

        Trong nhiệm vụ này ông đã mở các chương trình nghiên cứu và tổ chức các hội nghi về các đề tài Chất độc da cam, Các cựu binh gốc Phi châu,  PTSD, ‘Chấn thương, Nghệ thuật và Sự Hồi phục’, Dịch thuật Văn học Việt nam, Sáng tác sau chiến tranh, Các Phim Chiến tranh v.v…

        Năm 1987 lần đầu tiên ông trở lại Việt nam, và sau đó đã tổ chức nhiều cuộc  thăm viếng cho các cựu binh để làm các công tác thiện nguyện với các thương binh nhờ chương trình của tướng Vessey nhằm  nối lại bang giao Việt Mỹ. Từ đó ông đã trở lại Việt nam rất nhiều lần, thiết lập các giao lưu giữa các nhà họat động y tế, các nghệ sĩ, các nhà văn, các nhà giáo dục. Nhiều chương trình phong phú do ông lãnh đạo đã được thực hiện: Chương trình huấn luyện bổ túc cho các giáo viên văn học Mỹ thuộc các đại học các nơi tại Việt Nam, Hổ trợ thành lập một phòng y tế cho khoa nhi ngọai khám tại Bệnh viện Trung ương Huế, Học bổng đầu tiên cho cách nhà nghiên cứu từ Việt nam cũng như trong cộng đồng người Việt hải ngọai tìm hiểu các vấn đề của Người Việt Hải Ngọai và của Bối Cảnh Hậu chiến, Sáng kiển dịch thuật để giới thiệu văn học Việt Nam với cộng đồng thế giới… Các họat động này đã dẫn tới Hội Nghị đầu tiên giữa các nhà văn cựu chiến binh Mỹ và Việt nam tại Hà Nội năm 1990 .

       Cuộc viếng thăm nước Mỹ lần đầu tiên của các nhà văn Việt Nam do Trung tâm W. Joiner tổ chức diễn ra vào năm 1988. Từ đó đến nay, qua con đường của Trung tâm W. Joiner, đã có gần một trăm nhà văn, nhà thơ và nghệ sĩ Việt Nam qua Hoa kỳ, góp phần mở một cửa số để người Việt có thể tìm hiểu phương Tây, nhất là nước Mỹ; đồng thời những đại sứ văn hóa này cũng mở một cửa sổ để người Mỹ có thể nhận ra vóc dáng đích thực của con người và văn hóa Việt nam.    

        Một số trong những sáng kiến nổi bật của Trung tâm do K. Bowen lãnh đạo là Tổ chức Trại hẻ sáng tác hằng năm và Chương trình dịch thuật văn học Việt Nam.

         Các Trại hè tạo nên giao lưu ngày càng mở rộng, tập họp các nhà văn và nghệ sĩ từ các quốc gia trên khắp thế giới đã và đang trải qua những xáo động dữ dội  - Ác-hen-ti-na, Cô-lôm bia, Bot-ni-a, Căm-pu-chia, En-sa-va-đo, I-rắc, Ni-ca-ra-gua, Ai-Len, Do thái, Lê-ba-nơn, Ni-gê-ria, Bắc Ai-len, U-krên, Sơ-bia, v.v…Bắt đầu từ năm 1987, Trại Hè sáng tác kéo dài hai tuần lễ đã là điểm hội tụ của các cây bút danh tiếng của Mỹ và nhiều nước trên thế giới với những tác phẩm viết về chiến tranh, bạo động, và hậu quả chấn thương. Kevin Bowen cũng tổ chức và điều hợp nhiều cuộc triển lãm lưu diễn ở Mỹ, Âu châu và Nhật bản. Những cuộc triển lãm này gồm các tác phẩm của các nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia nổi tiếng Philip Jones Griffiths, Koichi Sawada, Harry Mattison, Phạm Lực, Nguyễn Duy, Wendy Watriss, và đồ cụ sắp xếp về chất độc da cam, “những tổn hại phụ thuộc” (collateral damage), những người dân lưu tán.

       Song song với các Trại hè là Chương trình Dịch thuật văn học Việt Nam. Kevin Bowen đã tập hợp được một lực luợng văn nghệ sĩ tên tuổi trên nước Mỹ– Yusef Komuyaka (gỉải thưởng văn học Pulitzer), Larry Heinemann (giải thưởng văn học National Book Award), Bruce Weigl (giải thưởng Lannan Foundation, chung kết giải thưởng Pulitzer), Fred Marchant (giải thưởng Washington Prize), Martha Collins (giải thưởng Pushcart Prize), Sam Hamill (Giải thưởng Washington Poets Association , người sáng lập các địa chỉ liên mạng “Thơ Chống Chiến Tranh”), Grace Paley (thi bá tiểu bang Nữu Ước và Vermont, “Người Mẹ của Phong Trào Phản Chiến”), v.v.  Qua những sinh họat của Trung Tâm William Joiner, văn học và văn hóa Việt nam đã hiện diện trong văn học Mỹ, từng bước xóa nhòa những cách biệt và hiểu lầm Đông Tây. Đó là một thành tựu không nhỏ. Nó đặt những viên đá đầu tiên và vững chãi cho tình hữu nghĩa giữa hai dân tộc.

Là nhà lãnh đạo năng động và tài năng, Kevin Bowen còn là  nhà thơ và nhà dịch thuật đặc sắc.

  - Các tuyền tập thơ ông đã xuất bản: Chơi Bóng Rổ Với Việt Cộng (Playing Basketball with the Viet Cong, nhà xuất bản Curbstone), Dạng Thức Khấn Cầu ở Khách sạn Edison (Forms of Prayers at Hotel Edison, Curbstone Press), Tám Bản Đồ Đích Thực Phương Tây (Eight True Maps of the West, nhà xuất bản Dedalus, Dublin, Ái Nhĩ Lan), Thái Bình (Thai Binh/Great Peace, Press Wafer Press).

  - Ông đã đồng chủ biên các tuyển tập dịch văn học Việt nam – Viết Giữa Hai Dòng – Về Chiến tranh và Hậu quả Chiến tranh (Writing Between the Lines – Writings about War and Its Social Consequences, University of Massachusetts Press, với Bruce Weigl), Sông Núi: Thơ Việt Nam Từ Hai Cuộc Chiến (Mountain River: Vietnamese Poetry from the Wars, University of Massachusetts Press, với Bruce Weigl va Nguyễn Bá Chung), Sáu Nhà Thơ Việt Nam (Six Vietnamese Poets, Curstone Press, với Bruce Weigl và Nguyễn Bá Chung), Đường Xa: Tuyển Tập Thơ Nguyễn Duy (Distant Road: Selected Poems of Nguyen Duy, Curbstone Press, với  Nguyễn Bá Chung). Cùng với nhà thơ Nguyễn Duy và Nguyễn Bá Chung, ông tuyễn dịch tập thơ Thiền xuất bản ở Việt Nam – Thơ Thiền Lý Trần (Early Zen Poems from Viet Nam).

       Trao giải thưởng Phan Châu Trinh cho Kevin Bowen (và qua đó cũng là cho Trung tâm William Joiner) là vinh danh Văn hóa, vinh danh một con người và một tổ chức đã đem những giá trị văn hóa đích thực phục vụ cho những mục đích tốt đẹp nhất là Hòa bình, Hòa giải, Tình yêu và Hạnh phúc trong những hòan cảnh khó khăn và ngặt nghèo nhất ngày nay.

Góc thông tin về Giải thưởng