DIỄN VĂN KHAI MẠC
GIẢI VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH 2017
Giáo sư Chu Hảo
(Phó Chủ tịch Hội Đồng Quản Lý
 Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh)

 

Kính thưa quý vị và các bạn,

Mới đấy mà đã 10 năm, mười lần chúng ta hân hoan gặp lại nhau trong các buổi lễ công bố Giải Văn hóa Phan Châu Trinh hàng năm, mà ngày nay đã trở thành một sự kiện văn hóa đáng ghi nhận trong đời sống tinh thần của chúng ta – những người quan tâm và nguyện dấn thân vì sự nghiệp chấn hưng Văn hóa – Giáo dục nước nhà.

Mười năm qua Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh mới chỉ kịp vinh hạnh trao các Giải cho khoảng 40 cá nhân theo các hạng mục: Dịch thuật, Nghiên cứu, Vì sự nghiệp Văn hóa&Giáo dục và Việt Nam học. Các Giải này được lựa chọn theo các tiêu chí do Hội đồng Quản lý và  Hội đồng Khoa học của Quỹ đề ra, tuân theo nguyên tắc đồng thuận, và chỉ trao cho những người còn sống. Còn rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu và hoạt động xã hôi xứng đáng được ghi nhận công lao, những vì lực bất tòng tâm, Quỹ không có điều kiện bao quát hết. Chúng tôi chân thành cáo lỗi và xin được lượng thứ.

Từ năm 2014 Quỹ có thêm một hạng mục mới là Tôn vinh Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại ( giữa TK19 đến giữa TK20), và cũng chỉ mới kịp tôn vinh 4 vị tiêu biểu là Trương Vĩnh ký, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu và Nguyễn Văn Vĩnh. Quỹ có tham vọng xây dựng hồ sơ văn hóa còn đang thiếu vắng của các vị có công lao xuất sắc trong lịch sử văn hóa nước nhà ở giai đoạn giao thời đó, để các thế hệ  mai sau  có tài liệu tham chiếu. Vị nào mà Quỹ có điều kiện tập hợp đầy đủ hồ sơ trước thì công bố trước, chứ không nhất thiết theo thứ tự thời gian. Mươi năm nữa liệu chúng tôi có thể hoàn thành được công việc khó khăn nhưng hết sức có ý nghĩa này chăng, là trông cậy ở sự đồng hành và hỗ trợ của quý vị và các bạn.

Lần này là lần thứ 10, chúng ta vui mừng chào đón  5 vị Tân khoa và tôn vinh môt Danh nhân Văn hóa nữa, như sẽ được công bố ngay sau đây.

Mỗi lần công bố Giải và Tôn vinh Danh nhân Văn hóa là mỗi lần chúng tôi muốn được cùng qúy vị và các bạn có mặt tại khán phòng này, ôn lại Tinh thần Khai sáng, Ý chí Tự trị - Tự cường, Khát vọng Dân chủ của Phan Châu Trinh - nhà cách mạng đầu tiên của đất nước ta như Huỳnh Thúc Kháng từng khẳng định.          

Thưa quý vị và các bạn,

Chúng ta đang sống trong thời kỳ nhiễu nhương của nhân loại; dường như ở khắp nơi trên thế gian này cái Ác đang lấn át cái Thiện ở tầm vĩ mô, ngay tại cơ tầng văn hóa – giáo dục; dối trá và bạo lực tràn lan trong xã hội trên phạm vi toàn cầu. Nước ta  không những không là một ngoại lệ, mà còn có nguy cơ trở thành một thí dụ điển hình. Bởi vậy những lời kêu gọi thống thiết của cụ Phan cách nay hơn một thế kỷ vẫn còn nguyên giả trị thời sự.

“Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, đó là “Chi Bằng Học”.  

 

Đấy là chủ trương Khai dân trí, tức là mở mang trí tuệ, đúng với tinh thần của  Phong trào Khai sáng diễn ra ở phương Tây từ TK18.

 

Song song với việc khai trương Đông kinh Nghĩa thục ở Hà nội và một loạt trường thực học thực nghiệp ở Quảng Nam và nhiều nơi khác, Phong trào Duy tân còn hết sức khuyến khích mở mang kỹ nghệ và thương mại, chăm lo đời sống cho dân chúng, tức là “Hậu Dân sinh” theo tinh thần :

 

“Người ta trọng có tài có nghiệp 

Kẻ không nghề cả kiếp khó hèn” 

 

Cụ còn nêu gương Piere Đại đế ở Nga đã thân chinh sang nước ngoài  học kỹ nghệ (chẳng hạn đống tầu) mang về dậy cho dân chúng:

 

“ Có vua Bỉ Đắc xưa kia 

Bỏ ngôi đi học lấy nghề bách công

 

Về Dân khí Phan Châu Trinh dậy rằng;

 

“Vậy phải làm cho đồng bào chúng ta quen phản đối, khích lệ họ phản đối trong giới hạn hợp pháp, mỗi khi họ là nạn nhân của một sự bất công hoặc một sự nhũng lạm nào đó. Báo chí phản đối là cần thiết để tố cáo một cách vô tư tất cả những sự lạm quyền, tất cả những sai lầm mà người cai trị có thể mắc phải. Ai không nói gì là tán thành. Sự nhẫn nhục hoặc đúng hơn sự câm lặng của người An Nam làm cho chính quyền tin rằng nhân dân thỏa mãn, và chính quyền sẽ yên ngủ coi như đã tròn phận sự. Đúng là vì sao lại phải trao tự do cho những người nô lệ bằng lòng với số phận của mình?”  

 

Ngay từ 1906, sau khi hội kiến với Phan Bội Châu ở Nhật về, Phan Chu trinh đã  chủ trương bất bạo động và tuyên bố:

 

“Bất bạo động, bạo động tắc tử! Bất vọng ngoại, vọng ngoại dã ngu”  

 

Chủ thuyết này hoàn toàn tương đồng với tư tưởng vĩ đại của Mahatma Gandhi - biểu tượng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc bằng con đường phi bạo lực, người cùng thời với cụ Phan .     

Như vậy về tổng thể chúng ta có thể thấy Triết lý phát triển và chương trình hành động của Phan Châu Trinh cũng phù hợp một cách đáng ngạc nhiên với Lý thuyết  hiện đại hóa mới do  C.Wetzel (2013) và D. Inglehart (2016) tổng kết vào những năm  đầu của TK21 này. Một lần nữa chúng ta thấy tư duy vượt trội và đi trước thời đại của Phan Châu Trinh quý giá và đáng trân trọng biết nhường nào! 

Xin chân thành cám ơn quý vị và các bạn  đã có mặt ở đây, hôm nay để khích lệ chúng tôi, khích lệ tất cả chúng ta, trong sự nghiệp chấn hưng nền văn hóa-giáo dục nước nhà!

Xin kính chúc quý vị và các bạn dồi dào sức khỏe để mỗi ngày làm được một việc nhỏ theo tinh thần “Khai Dân trí, chấn Dân khí, hậu Dân sinh” mà Phan Châu Trình đã khai sáng cho chúng ta!