DIỄN TỪ NHẬN GIẢI
GIẢI VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH 2018
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng

(Giải Nghiên cứu)

 

Kính thưa các vị học giả, thưa các anh chị

Trước tiên tôi bầy tỏ lòng biết ơn đối với anh chị trong quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã đánh giá công việc và cho tôi vinh dự này.

Tôi sinh ra và lớn lên trong Chiến tranh và Bao cấp, bố mẹ lại ly tán, rất đói nghèo, học hành sơ sài, nên sớm tự học cái gì để thành nghề có thể nuôi sống mình. Khi vào bộ đội, ở binh chủng Phòng không – Không quân, tôi lần lượt được đào tạo qua nhiều môn kỹ thuật cao. Người lính trẻ đứng giữa một bên là một nền tri thức khoa học rất cao, so với trình độ xã hội lúc bấy giờ, và có thể ngay cả bây giờ. Lúc đó chúng tôi đã có máy tính tạo ra sự đồng bộ cho trận địa pháo 57, Và một bên là những làng xã nghèo nàn lạc hậu tận cùng ở mọi nơi sinh sống. Rõ ràng phải có nền tảng xã hội thế nào mới sinh ra được trình độ kỹ thuật cao, và cần có một tổ chức và trình độ thế nào mới sử dụng được nó, điều mà chúng tôi – những người lính nông dân rất thiếu. Và nền văn hóa làng xã không thể nào sinh ra những sáng tạo khoa học như vậy. Bên ngoài kia, thì những làng xã đang bới lại lần cuối những kỹ năng cổ truyền đã có từ hàng ngàn năm, đẽo cầy, đan rổ rá, làm gốm thô…để có chút đồ vật tồn tại, nhưng thực sự, họ lại tồn tại bằng nền tảng văn hóa rất sâu sắc và nhân văn, cũng đang dần bị hủy hoại. Tôi không có xu hướng kỹ thuật, nên chỉ thầm nghĩ, những cái này mà ứng dụng ở xã hội, thì nước ta đã tiến từ lâu rồi, và dần dần tôi đi vào văn hóa làng xã. Hết chiến tranh, những người lính kỹ thuật lại quay về với đời sống sơ sài như xung quanh, những người nắm được tri thức khoa học cao cũng đứng ngoài cuộc, khi công thần và quyền lợi hiện ra. Chính tôi sau này cũng rón rén mãi mới dám động đến cái máy tính, mà thực ra nó chỉ là nhỏ hơn với cái máy chúng tôi từng học và sử dụng.

Sự khó khăn tận cùng của thời Chiến tranh và Bao cấp, buộc người ta phải hồi phục các kỹ năng truyền thống và cơ giới hóa thô sơ trong nền kinh tế thị trường sơ khai. Đó là thời cơ vàng cho tôi nhận thức quá khứ sinh sống của dân tộc, dẫn đến nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt. Sự hồi sinh kỹ năng truyền thống diễn ra từ năm 1960 – 1980, rồi ngay sau đó việc cơ giới hóa thô sơ đã dần hồi phục các làng nghề và giết chết môi trường rộng rãi. Các cánh rừng bị chặt trụi, động vật tự nhiên ra đi, các dòng sông cạn và chết, các ao làng có thể đi bộ lên đó, cuối cùng là sự tự sát văn hóa, khi các di sản nghệ thuật – tôn giáo bị tô vẽ, làm mới, làng xã cổ bị đô thị hóa, đạo đức xuống cấp. Tôi đã nhặt nhạnh và nghiên cứu những cái đó, từ dưới đi lên, khi nào chạm vào hệ tư tưởng thì dừng lại. Ở góc độ cá nhân, tôi thấy các tư tưởng và triết thuyết ở ta là cóp nhặt và tín điều, hơn nữa nó làm mất tự do trong suy nghĩ. Những nghịch lý của sự phát triển chưa được nhận thức. Cả một đại đội lính dùng dao và rìu mất gần một năm mới phát quang được một cánh rừng, bây giờ thì chỉ cần ba người với một cái máy cưa trong một tuần, nhưng thế thì môi trường hủy hoại nhanh như tốc độ kỹ thuật.

Dân số tăng lên gấp ba so với năm 1960, nhưng môi trường sinh thái và nhân văn xuống tận đáy, và chỗ nào trống rỗng về văn hóa, thì chỗ đó được lấp bằng sự toàn cầu hóa. Tâm hồn con người trở nên hỗn loạn và bơ vơ, từ chỗ chỉ có vài tôn giáo lớn, nay toàn quốc đã có thêm 91 hiện tượng tôn giáo mới và phái sinh. Những thành phố lớn thu hút hầu hết nhân lực, số người dao động trong hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có khi lên tới 30% dân số. Sức ép đô thị tác động toàn diện từ các đô thị lớn đến các tiểu đô thị nguyên là làng xã cổ. Khi toàn cầu hóa, Internet và thời đại công nghệ thông tin ào đến, người Việt Nam có vẻ vẫn là những nông dân dùng Iphone, Ipad, mà hành xử không có gì khác trước. Vẫn thiếu một nền tảng xã hội tương thích với sự phát triển đương đại. Ta đông người lao động chân tay, thiếu người lao động trí tuệ, sáng tạo. Cơ sở hạ tầng lạc hậu va chạm với công nghệ gây ra nhiều tai nạn cả về tâm lý lẫn cơ thể. Không phải cứ có nhiều nhà máy thì ta trở thành nước công nghiệp, không phải cứ có nhiều kỹ nghệ cao thì ta trở thành nước công nghệ. Mức độ phát triển lại biểu hiện ở nghệ thuật và ứng xử văn hóa, còn kỹ nghệ chỉ là phương tiện được trang bị nếu có tiền.

Trong hoàn cảnh như vậy, tôi liều đặt mình vào vị thế thấp nhất của người lao động, và tin rằng Thần Phật và Tổ tiên sẽ phù hộ những người như mình để viết và vẽ về văn hóa và đời sống của người Việt. Tôi nghĩ rằng chỉ có văn hóa mới chữa được, khắc phục được các yếu kém trong quá trình phát triển, mà văn hóa cần phát triển từ gốc, từ truyền thống xa xưa, gạt bỏ và tiếp nhận liên tục, đổi mới liên tục cùng sự tổ chức xã hội thời đại toàn cầu và công nghệ. Thời gian thay đổi, một thời đại qua đi để lại những di vật, thượng tầng là nghệ thuật, hạ tầng là đồ dùng. Tôi nghĩ phải đọc từ đấy những thông điệp của quá khứ qua đồ vật tầm thường nhất, bởi con người ghi dấu ấn lên lao động và vật dụng mà họ làm ra, phản ánh các mức độ và tình trạng xã hội đương thời. Điều ấy cũng đơn giản và khó khăn như học ngoại ngữ, nhưng khi học được rồi, có thể nói chuyện và hiểu được một nền văn hóa vốn chìm trong quá khứ.

Trong hoàn cảnh, phơi bầy đủ khái niệm giá trị giả, giá trị ảo và vô giá trị, việc hiểu biết ở mức độ có khả năng thực hành chuyên nghiệp, giúp cho một người lao động sống tốt và có ý nghĩa. Đó chính là điều tôi muốn nói với các bạn trẻ hôm nay.

Phan Cẩm Thượng

2018